Diễn đàn "Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng” năm 2022 thu hút  sự tham gia của gần 500 đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia đầu ngành; Hiệp hội, tập đoàn doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển; đại biểu đến từ một số tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia có chung đường biên giới với tỉnh Kon Tum.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Bộ và các địa phương trong cả nước đang có nhiều giải pháp, tích cực tổ chức các hoạt động để khôi phục lại hoạt động du lịch sau đại dịch Covid-19. Diễn đàn "Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng”  là cơ hội để doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu, ký kết hợp tác trong lĩnh vực du lịch. 

Theo Bộ trưởng, tỉnh Kon Tum đã có hai yếu tố quan trọng để phát triển du lịch: “Chúng tôi nhận thấy có hai điều cơ bản mà Kon Tum đã và hội tụ đủ để chúng ta phát triển du lịch. Điều thứ nhất đó là Kon Tum có đầy đủ những yếu tố về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa để chúng ta làm du lịch không thua kém chị em. Điều thứ hai là con người Kon Tum với bản chất thật thà, chất phác, cần cù lao động sản xuất, thân thiện và nghĩa tình. Chính họ là những chủ nhân để níu kéo bước của chân du khách”.

Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận, khẳng định tiềm năng và triển vọng phát triển du lịch của tỉnh Kon Tum với nổi bật là bản sắc văn hóa độc đáo, nhiều thắng cảnh đẹp, như: núi Ngọc Linh thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh; ngã ba biên Việt Nam- Lào- Campuchia; khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen- Kon Plông… Tuy nhiên để phát triển được du lịch, theo Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trần Đình Nguyên, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam thì cùng với bảo vệ, giữ gìn vốn quý, đa dạng, nâng tầm sản phẩm, Kon Tum cần xác định được cực tăng trưởng để dành ưu tiên cho phát triển du lịch.

“Kon Tum cần nối thông để đánh mượn sức. Ở đấy ví dụ như Bờ Y. Muốn Bờ Y bay lên được Bờ Y phải nối thông sang Lào, phải nối thông sang Campuchia theo đúng nghĩa mở cửa hội nhập. Lúc ấy Bờ Y mới biến các lợi thế địa phương bạn thành lợi thế của mình để tăng sức sống cho du lịch. Cần chiến lược tập trung chính sách tập và nguồn lực cho các tọa độ ưu tiên tức là biết tập trung vào một vài cực tăng trưởng. Một là thành phố Kon Tum, hai là Măng Đen và thứ ba là có một đường dẫn lên ngã ba biên giới” - Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trần Đình Nguyên cho biết.

Thẳng thắn đối diện với sự thật phũ phàng nhưng không đánh mất niềm tin, bà Trần Nguyện, Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Sun Group cho rằng, trong lĩnh vực du dịch Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung có nhiều nhược điểm và thiếu nhiều điều, như cơ sở hạ tầng, thiếu nhà đầu tư lớn, vấn đề định hướng quy hoạch, hạn chế về trình độ lao động trong ngành du lịch… Và nếu muốn phát triển du lịch phải giải quyết được những thách thức này.

Bà Trần Nguyện cho biết: “Đây là những điều vô cùng mấu chốt. Nếu muốn phát triển cần phải đi giải quyết những thách thức này và chúng tôi cũng hy vọng với ý kiến của chúng tôi và sự đồng hành của các doanh nghiệp khác cũng sẽ góp cho điểm đến Kon Tum dần dần giải quyết được những thách thức và chúng ta sẽ kịp bắt cơ hội, đi sau những sẽ đi rất nhanh”.

Tại Diễn đàn "Du lịch Kon Tum - Tiềm năng và triển vọng” năm 2022 , Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố kế hoạch phát triển du lịch khu vực Tam giác phát triển Campuchia- Lào- Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum công bố, giới thiệu Logo và slogan du lịch tỉnh Kon Tum “Trải nghiệm văn hóa - Khám phá thiên nhiên”, Ký kết thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ khôi phục hoạt động các doanh nghiệp du lịch giữa tỉnh Kon Tum với Hiệp hội du lịch 3 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cũng ký kết thỏa thuận với Liên chi hội Lữ hành Việt Nam để tăng lượng khách du lịch đến tỉnh./.