Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định giá trị khoa học về địa mạo, địa lý, tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái đặc thù của Hồ Tây. Bên cạnh đó là giá trị về cảnh quan thiên nhiên, truyền thống văn hóa lịch sử và các công trình kiến trúc có giá trị. Do đó, Hồ Tây là khu vực xứng đáng được xem xét công nhận là danh thắng quốc gia.

lqt_6287_bity.jpgMột góc Hồ Tây - Ảnh: Huy Phương
Việc phát huy giá trị khu vực Hồ Tây phải đặt ra yếu tố khai thác lợi thế cảnh quan mặt nước đi đôi với giữu gìn vệ sinh môi trường. Đó là khai thác cảnh quan thiên nhiên sẵn có, phát triển hình thức công viên văn hóa, các hoạt động thể thao nhẹ trên mặt nước gắn với du lịch. 

Bên cạnh đó, cần tập trung hoàn thiện các tuyến giao thông: tuyến đường sắt số 2 từ sân bay Nội Bài, qua cầu Nhật Tân-Thanh Xuân và tuyến đường vành đai 2,5 kết nối khu Hồ Tây với khu vực phía Nam sông Hồng, các làng nghề truyền thống, di tích xung quanh Hồ Tây cũng cần được khôi phục và bảo tồn.

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội đề nghị: “Hiện nay, chúng ta rất thiếu các cơ sở pháp lý để phát huy giá trị Hồ Tây. Cơ sở pháp lý là các cơ chế chính sách và các cơ sở để quản lý, đầu tư xây dựng. Hiện đã có quy hoạch phân khu nhưng sau quy hoạch phân khu còn các quy hoạch chi tiết như thế nào, quy định quản lý ra sao, quy chế quản lý như thế nào thì chúng ta cần bàn bạc, trao đổi...”./.