vov_1_uooe.jpg
Đây là sản phẩm du lịch mới được Trung tâm giới thiệu nhân chương trình kích cầu "Tuần lễ Vàng du lịch tại Di sản Huế" (đợt 1 năm 2017) khai trương vào tối 22/4, và chào mừng Festival Nghề truyền thống Huế năm 2017 khai mạc vào dịp lễ 30/4 sắp tới.
Với thời lượng phục vụ 3 giờ đồng hồ/tối, bắt đầu từ 19h hàng ngày, chương trình nhằm khuyến khích, đẩy mạnh lượng khách đến với du lịch Huế cũng như tạo một điểm nhấn cho di tích Huế. 
Hiệu ứng ánh sáng, khí trời mát mẻ ban đêm được khai thác triệt để nhằm làm hài lòng du khách.
Tại lễ khai trương “Đại nội về đêm”, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, bày tỏ: “Với nỗ lực và mong muốn mang lại những gì tốt đẹp nhất để phục vụ du khách khi đến thăm Di sản Huế, hy vọng rằng, du khách có thêm những trải nghiệm mới trong không gian cung điện, thành quách cổ xưa của Cố đô Huế”.
Tái hiện lễ Đổi Gác trong chương trình Đại Nội về đêm 
Đặc biệt, trong tuần đầu mở cửa Đại nội Huế về đêm, người dân TT-Huế được miễn vé tham quan (từ ngày 22 đến 29/4), sau ngày 29/4, dân địa phương chỉ mất 50% tiền mua vé vào cổng Đại nội. Du khách tham quan Đại nội Huế ban ngày cũng chỉ mất 50% tiền vé vào cổng ban đêm.
Với sản phẩm du lịch mới "Đại nội về đêm", du khách có nhiều cơ hội trải nghiệm thú vị, mới lạ về cảnh sắc lung linh của Hoàng cung Huế vào ban đêm; tìm hiểu các nghi thức cung đình xưa như lễ Đổi gác, thưởng thức Nhã nhạc cung đình Huế, các bài bản múa cung đình, trò chơi cung đình; xem các hoạt động diễn xướng như cấm vệ quân luyện võ..
Màn luyện võ của cấm vệ quân trước điện Thái Hòa thu hút rất nhiều du khách.
Tại đây, du khách còn được trải nghiệm du khảo văn hóa Huế qua các trưng bày ấn tượng về 5 di sản thế giới ở Huế, cùng các trưng bày chuyên đề tại các di tích, về nghề truyền thống Huế và các hoạt động dịch vụ tại Phủ Nội vụ, cung Trường Sanh, cung Diên Thọ...
Trong các vũ khúc cung đình còn lại đời Nguyễn, điệu múa cung đình “Bát tiên hiến thọ” thuộc thể loại múa chúc tụng, thường được múa vào những ngày lễ vạn thọ, thánh thọ, tiên thọ.
Theo các nghệ nhân từng được học và trình diễn điệu múa này, các nhân vật trong điệu múa cung đình “Bát tiên hiến thọ” được quy định xuất hiện theo tám hướng khác nhau, đó là các nhân vật: Hán Chung Ly xuất hiện từ hướng Đông; Trương Quả Lão xuất hiện từ hướng Bắc; Lữ Đồng Tân xuất hiện từ hướng Tây Bắc; Tào Quốc Cữu xuất hiện từ hướng Đông Bắc; Lý Thiết Quày xuất hiện từ hướng Nam; Hàn Tương Tử xuất hiện từ hướng Đông Nam; Lam Thái Hòa xuất hiện từ hướng Tây và  Hà Tiên Cô xuất hiện từ hướng Tây Nam.
Điệu múa "Bát Tiên Hiến Thọ " là một điểm nhấn ấn tượng trong chương trình Đại Nội về đêm diễn ra tại cung Trường Sanh.
Với những nỗ lực của Trung tâm bảo tồn di tích cũng như chính quyền TP Huế, hy vọng du lịch Huế sẽ có nhiều điểm sáng nổi bật như chương trình Đại Nội về đêm.