Fansipan được biết đến là “Nóc nhà Đông Dương” thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, nằm cách thị trấn Sapa 9 cây số về phía tây nam, Fansipan còn được mệnh danh là “phiến đá khổng lồ chênh vênh”. Từ trước tới nay, để chinh phục “Nóc nhà Đông Dương” – đỉnh Fansipan, chủ yếu là những người trẻ tuổi chấp nhận mạo hiểm, vất vả rồi cả những hiểm họa khi phải ngủ qua đêm trên núi… Hành trình để lên được đến đỉnh phải mất đến hai ngày đêm ròng rã. Nhưng với hệ thống cáp treo sau khi hoàn thành sẽ giúp du khách khám phá đỉnh Fansipan chỉ mất vẻn vẹn có 15 phút. 

img_2253_1349336204.jpg
Chinh phục “Nóc nhà Đông Dương” bằng sự mạo hiểm (ảnh: internet)
Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng cáp treo có thể phá vỡ cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ vốn có của dãy Hoàng Liên Sơn. Bạn Tạ Quang Hưng, một bạn trẻ thế hệ 8X ở Hà Nội đã từng chinh phục đỉnh cao nhất của Đông Dương và hiện là chủ nhân của trang mạng xã hội facebook “Hội những người thích leo đỉnh Fansipan” chia sẻ: "Xây dựng cáp treo trên đỉnh Fansipan là dự án có thể thúc đẩy du lịch của Sapa khi hoàn thành. Riêng về leo Fansipan, đây là một tour du lịch mà mọi người muốn khám phá qua những trải nghiệm trên đường đi của mình. Việc xây cáp treo lên đỉnh Fansipan không rõ ảnh hưởng nhiều hay ít nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến hệ sinh thái của rừng, mỹ quan của dãy Fansipan. Thứ hai là làm mất đi ý nghĩa của việc các bạn trẻ thích du lịch phượt".

Bạn Vũ Quang Thành, một người đam mê mạo hiểm và khám phá - hội viên của Hội những người thích leo đỉnh Fansipan cũng đồng ý kiến với Hưng. Thành cũng cho biết thêm, với kinh nghiệm đã leo lên đến đỉnh Fansipan, mất hơn 2 ngày ròng rã, rét mướt, mệt mỏi tưởng chừng có lúc chùn gối không thể đi tiếp, rồi cả những lúc gặp dốc đá cheo leo nguy hiểm phải đu bám trên các vách đá dựng đứng thì cáp treo sẽ là giải pháp dành cho những người không đủ sức khỏe và sự cam đảm thực hiện ước muốn được đứng trên đỉnh Fansipan.

Có thể thấy rằng, chinh phục “Nóc nhà Đông Dương” là niềm khao khát của nhiều người, bởi vậy khi leo lên đến đỉnh Fansipan bằng chính sức mình và chạm vào điểm mốc độ cao 3143 mét thì đó là niềm tự hào không nhỏ, thể hiện bản lĩnh và cảm giác chiến thắng chính bản thân mình của không ít người chinh phục đỉnh cao. Sự xuất hiện của cáp treo sẽ khiến việc lên đến đỉnh núi trở nên quá dễ dàng, điều đó đồng nghĩa là đỉnh Fansipan không còn sức hấp dẫn mà từ trước đến nay vẫn có. 
Bạn Nguyễn Thị Nguyện, một bạn gái đã từng chinh phục đỉnh Fansipan trong dịp 30/4 vừa qua chia sẻ: "Thông tin này tôi cũng đã nghe qua truyền thông gần đây, nhưng cảm giác không thích đối với những người đam mê mạo hiểm muốn khám phá nóc nhà Đông Dương của Việt Nam".

Bên cạnh những ý kiến không đồng tình với dự án cáp treo thì cũng có người cho rằng giá như chủ đầu tư thay vì xây dựng hệ thống cáp hiện đại và tốn kém thì nên xây dựng các trạm dịch vụ nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho du khách leo núi như trạm y tế, trạm cung cấp lương thực, trạm nghỉ chân… Hơn nữa, được biết hệ thống cáp chỉ lên đến độ cao 2800 mét còn lại muốn lên đến đỉnh thì phải đi bộ tiếp như vậy người đi cáp cũng sẽ không thỏa mãn khi chưa được chạm chân đến đỉnh “Nóc nhà Đông Dương”. Bên cạnh đó, Fansipan nằm cách khá xa các khu trung tâm vì vậy số lượng du khách chắc chắn sẽ không nhiều, vậy nên dự án này có khả thi về mặt kinh tế khi mà số tiền đầu tư lên đến 4.400 tỷ đồng?

Có thể thấy, đa số ý kiến cho rằng việc thi công xây dựng cáp treo sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và môi trường vốn rất tự nhiên của dãy Hoàng Liên Sơn. Ngoài ra nó còn biến đỉnh Fansipan thành một điểm đến tham quan như bao điểm du lịch khác đã có bàn tay con người tác động vào thay vì sự hấp dẫn tự nhiên của một đỉnh núi được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương”./.