Chương trình “Qua những miền di sản Việt Bắc lần thứ XIII, Hà Giang năm 2022” diễn ra tại thành phố Hà Giang từ ngày 23 - 28/8/2022, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang phối hợp với Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch (Bộ VHTT&DL) tổ chức.
Dịp này, đoàn gồm 80 doanh nghiệp du lịch và cơ quan báo chí trên cả nước đã đi khảo sát dịch vụ, điểm đến theo 3 tuyến du lịch tại Việt Bắc (6 tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang), gồm "Hành trình kết nối di sản UNESCO Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Hà Giang – Cao Bằng – Lạng Sơn", "Huyền thoại sông Gâm và con đường di sản cách mạng Việt Bắc" và "Từ chiến khu cách mạng Tân Trào đến mặt trận biên giới Vị Xuyên".
Đánh giá về tính khả thi của các sản phẩm này, bà Tạ Thị Tú Uyên - Phó Giám đốc Ban Sản phẩm và dịch vụ, Công ty du lịch Vietravel cho rằng cả 3 tuyến đã khắc họa rõ nét, toàn diện những giá trị văn hóa lịch sử và đời sống người dân, cũng như lột tả hầu hết tiềm năng của 6 tỉnh Việt Bắc. "Chúng tôi sẽ triển khai ngay các sản phẩm này cho mùa thu này và mùa xuân năm 2023. Trong hành trình tour, mỗi ngày sẽ là một trải nghiệm khác nhau, chọn thế mạnh đặc trưng của từng điểm đến, từng địa phương, gắn liền với thiên nhiên và đời sống văn hóa" - bà Tạ Thị Tú Uyên nói.
Tham gia khảo sát tuyến du lịch "Hành trình kết nối di sản UNESCO" kết nối Hà Giang – Cao Bằng – Lạng Sơn, ông Trần Tấn Điền – Tổng Giám đốc công ty Tadi Travel cho biết sản phẩm du lịch Đông Bắc gồm Lạng Sơn, Cao Bằng đang rất được yêu thích bởi du khách ở các tỉnh miền Nam, nhất là những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và "chỉ có tại Cao Bằng" như thác Bản Giốc, núi Mắt Thần (núi thủng) hay đèo 15 tầng Khau Cốc Chà… Sau chuyến khảo sát lần này, Tadi Travel sẽ nghiên cứu và bổ sung thêm động Ngườm Ngao, làng đá Khuổi Ky vào các hành trình khám phá Đông Bắc.
Phát biểu tại “Hội thảo xây dựng sản phẩm du lịch liên kết vùng Việt Bắc và Công bố sản phẩm du lịch liên kết vùng Việt Bắc” diễn ra sáng nay (26/8), Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đề nghị các tỉnh Việt Bắc và cộng đồng doanh nghiệp du lịch cần liên kết chặt chẽ và cụ thể hơn, không để xảy ra tình trạng trùng lặp, na ná về sản phẩm du lịch giữa các địa phương sẽ khiến du khách chỉ đến 1 lần rồi không quay trở lại.
"Không mang sản phẩm du lịch ở Tuyên Quang về Bắc Kạn, không để Cao Bằng có sản phẩm na ná như Hà Giang… Nếu đến một nơi mà đã biết các nơi khác, như vậy làm sao níu giữ được du khách? Nếu sao chép hoặc làm theo phong trào thì không còn cái riêng của Việt Bắc nữa, du khách sẽ chỉ đến một lần và chỉ trong một thời gian ngắn. Cần phải có sự phân vai, để mỗi địa phương một sản phẩm; và sản phẩm đó mang dấu ấn của di sản, thiên nhiên, di tích lịch sử, địa danh tiêu biểu hoặc đơn giản là nét văn hóa cộng đồng đặc sắc của nơi đó" – Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, các tỉnh Việt Bắc không nên bán những sản phẩm mình có mà phải bán những cái du khách yêu cầu; có thêm sản phẩm mới để khách trải nghiệm, khám phá và quay trở lại nhiều lần. Ngoài ra, các tỉnh Việt Bắc cần nâng cao chất lượng nhân lực du lịch để tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách: "Người dân và đội ngũ lao động du lịch cũng cần có nụ cười thân thiện và thái độ phục vụ tốt, nếu làm ăn chộp giật để kiếm tiền nhanh thì chỉ được 1 lần mà thôi"./.
Ngoài “Hội thảo xây dựng sản phẩm du lịch liên kết vùng Việt Bắc và Công bố sản phẩm du lịch liên kết vùng Việt Bắc”, nhiều chương trình cũng được tổ chức trong khuôn khổ “Qua những miền di sản Việt Bắc lần thứ XIII, Hà Giang năm 2022” như lễ khai mạc, không gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng của Hà Giang; triển lãm ảnh đẹp du lịch Việt Bắc; cuộc thi Hướng dẫn viên du lịch tại điểm của 6 tỉnh Việt Bắc... |