Những người theo đạo Bái Hỏa giáo tin rằng bằng hình thức thiên táng, họ sẽ ngăn ngừa được những con quỷ ăn xác vốn làm ô uế mọi thứ xung quanh bằng tà khí.
Hai ngọn tháp nằm trên đỉnh đồi nhìn xuống thành phố Yazd, Iran nhìn thoáng qua hầu như không có gì đặc biệt với khối hình trụ đơn giản. Tuy nhiên những gì xảy ra bên trong nó lại được đánh giá là thực sự "khủng khiếp và đáng sợ".
Công trình kiến trúc này có tên là Dakhma (Ngọn tháp im lặng), là một kiến trúc cổ xưa của đạo Zoroastrian (Bái Hỏa giáo) tại Ba Tư. Một Dakhma thường có dạng hình trụ tròn, khá cao và được sử dụng để phơi xác chết của con người ra ngoài thiên nhiên (thiên táng). Ánh nắng mặt trời sẽ giúp xác chết phân hủy nhanh hơn và việc để lộ thiên này sẽ thu hút những loài chim chuyên ăn xác đến rỉa.
Những người theo đạo Bái Hỏa giáo tin rằng xác chết là một trong những thứ không trong sạch. Linh hồn một người chết khi vừa rời khỏi cơ thể sẽ có những con quỷ ăn xác lập tức nhập vào và làm ô uế mọi thứ xung quanh bằng tà khí.
Vì vậy, để ngăn ngừa sự lây nhiễm của quỷ, xác chết phải được đặt ở tầng cao nhất của ngọn tháp, tiếp xúc trực tiếp với ánh mặt trời và các loài chim ăn thịt. Thông qua cách này, quá trình thối rữa cùng tà khí của quỷ sẽ được thanh tẩy. Người theo Bái Hỏa giáo không thiêu xác chết vì họ cho rằng việc này sẽ làm ô uế ngọn lửa thần.
Tại Yazd, thi thể được kéo lên tầng trên cùng của tòa tháp và xếp theo vòng tròn đồng tâm, chân của người chết sẽ hướng về phía trong. Trẻ em sẽ được đặt ở vòng trong cùng, sau đó đến phụ nữ và đàn ông ở vòng ngoài cùng. Sau khi thi thể bị các loài chim ăn thịt như kền kền, quạ... rỉa hết thịt, các thầy cúng của Bái hỏa giáo sẽ nhặt những bộ xương trắng còn trơ lại trên đỉnh tháp và chôn trong một hố để hài cốt, đặt tại trung tâm tòa tháp. Những bộ xương này sẽ được tẩm các loại nước có tính axit như nước chanh để nhanh tan thành những mảnh nhỏ.
"Ngọn tháp của sự im lặng" được xây dựng vào nhiều thế kỷ trước, và cách xa thành phố nhộn nhịp. Ngày nay, do sự đô thị hóa nên người dân kéo về gần ngọn tháp sinh sống cũng nhiều hơn. Ngọn tháp cũng không được dùng để chôn cất nữa. Những người theo đạo Bái hỏa giáo đã chọn một phương pháp "chết sạch" hơn như chôn cất người chết trong những chiếc quan tài xi măng để ngăn chặn ô sự nhiễm.
"Ngọn tháp của sự im lặng" ở Yard trở thành di vật, gợi nhớ về một thời kỳ thiên táng xa xưa. Tuy vậy những người Bái hỏa giáo ở các nơi khác trên thế giới vẫn duy trì hình thức mai táng này, một trong số đó là Ấn Độ.
Việc táng trong các tháp rất có lợi ở vùng đất Ba Tư sa mạc cổ xưa vì nơi đây đất đai cằn cỗi, nguồn nước ngọt rất hiếm. Việc chôn xác gần các nguồn nước có thể làm ảnh hưởng tới toàn nguồn nước. Ngoài ra việc an táng tập trung giúp người dân tiết kiệm được đất đai để dành cho việc trồng trọt./.