Tối 19/11, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai khai mạc chương trình “Ẩm thực vùng bazan”, mở đầu cho chuỗi những hoạt động trong tuần Kỷ niệm 15 năm ngày Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại (25/11/2005-25/11/2020).
Chương trình “Ẩm thực vùng Bazan” diễn ra trong 4 ngày từ 19/11 đến hết 22/11 trong khuôn viên Bảo tàng Tỉnh Gia Lai. Tại đây có hơn 20 gian trưng bày và bán các món ăn đặc trưng của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, như cơm lam, gà nướng, heo nướng, lá mì (sắn) cà đắng, thịt bò một nắng, các loại bánh và nhiều món ăn đường phố. Tham dự chương trình, anh Bạch Hồng Quý, nhà hàng Jrai Food (Trần Quang Khải- Pleiku) cho biết, mỗi món truyền thống Tây Nguyên, dù có hương vị đặc trưng như thế nào đi nữa thì đặc điểm chung vẫn là giản dị, mộc mạc.
Anh Quý nói: “Cơm lam gà nướng, heo đồng bào nướng xiên. Đó là món ăn đặc trưng ở Tây Nguyên. Thức ăn của người Jrai thường không tẩm ướp gia vị, chỉ ướp xả, nướng chín rồi chấm muối lá é sau. Cách nướng này được gọi là nướng mọi. Giờ đây mình cũng trình diễn cách nướng này cho du khách. Người chế biến cách món ăn đều là người Jrai.”
Cũng trong khuôn viên bảo tàng Gia Lai, còn có các gian hàng thổ cẩm; nhạc cụ dân tộc Jrai, Ba-Na và nhiều sản phẩm nông sản đặc trưng trong chương trình OCOP của tỉnh như cà phê rang xay, mắc-ca sấy, các loại cao dược liệu, đông trùng hạ thảo, nấm linh chi… Vào mỗi tối, tại đây có chương trình nghệ thuật do các nhóm nhạc địa phương biểu diễn.
Từ ngày mai, tại thành phố Pleiku sẽ diễn ra hàng loạt các sự kiện như Hội nghị giới thiệu sản phẩm kích cầu du lịch tỉnh Gia Lai, biểu diễn đường phố và trưng bày không gian văn hoá cồng chiêng. Song song các hoạt động này, từ 20 đến 26/11, Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) và Lễ hội đồi cỏ hồng (huyện Đăk Đoa) sẽ đồng thời được diễn ra. Các sự kiện tập trung giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh Gia Lai./.