Từ Nghệ An, vượt chặng đường gần ngàn cây số, qua 3 chặng xe tôi mới đến được Hoàng Su Phì của tỉnh Hà Giang. Tên miền đất nơi cực bắc Tổ Quốc, tôi đã được nghe nhiều, xem nhiều qua sách báo, phim ảnh… Nhưng đến được nơi này mới thấy đáng giá cho chuyến lãng du của mình.

Hoàng Su Phì nằm trên độ cao gần 1000m so với mực nước biển. Trên một vùng núi cao, thung sâu, hiểm trở nhưng lại rất độc đáo về thiên nhiên, cảnh sắc, phù hợp với những kẻ thích xê dịch như tôi…

Nét nguyên sơ Hoàng Su Phì còn biểu hiện rõ nét qua một phiên chợ huyện.

anh-1.jpg

Một góc thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì

Đã từ rất lâu, như là lời hẹn trước, cứ đến chủ nhật hàng tuần là người người lại nườm nượp xuôi theo các triền núi về với phố huyện mang theo những nét riêng của 14 dân tộc chung sống dưới mái nhà - Hoàng Su Phì.

Với mái nhà đa sắc tộc, đa văn hoá đặc sắc của người Dao, Mông, Tày, Nùng, Clao, La Chí… Trong phiên chợ này ít ai nghĩ rằng sau miếng cơm manh áo là các lễ hội “Gàu Tào” của dân tộc Mông, “Nhảy Lửa” của người Dao, “Lồng Tồng” của dân tộc Tày, “Hội cúng rừng” của người Nùng. Trong những cuộc Hội ấy đồng vọng những điệu hát Cọi, Sli, Lượn, Then và các trò múa khèn, đẩy gậy, cà kheo, đánh yến, đánh sảng, mãi được lưu truyền.

Chợ còn là nơi khoe sắc những bộ trang phục mới

Chợ Hoàng Su Phì sầm uất với những món hàng do bàn tay bà con các dân tộc mang đến. Người bán và người mua có đa giọng nói, cách trang phục. Đó là vườn hoa nhiều hương sắc không lẫn miền nào của đất nước. Và du khách sẽ ngây ngất thỏa thích với những thực phẩm đặc sản sạch từ ruộng nương.

   

   

Những đặc sản sạch đều đến từ nương rãy ruộng vườn của  bà con

 

Hoàng Su Phì được giải nghĩa là miền đất “Vỏ cây vàng” theo tiếng Hán, tựa mình vào núi Chiêu Lầu Thi cao 2.380m và dải Tây Côn Lĩnh cao 1.500m so với mặt biển. Nơi đây còn giữ được những khu rừng nguyên sinh do người dân có đủ cái ăn, mà Đảng chính quyền huyện đã có nhiều biện pháp khơi dậy tiềm năng, đầu tư phát triển sản xuất đúng hướng, đa dạng sản phẩm từ nội lực. Của cải do người dân làm ra đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu tại chỗ. Cũng bởi lẽ đó rừng và môi trường được giữ tốt, những nét đẹp văn hoá bản sắc được bảo tồn và phát huy. 

Ông Lù Tờ Lìn, Phó Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì nhấn mạnh những giải pháp mà Đại hội huyện Đảng bộ khóa 19 quan tâm: “Quyết không cam chịu đói nghèo, biến khó khăn thành cơ hội phát triển”, huyện đã từng bước hoàn thiện hệ thống quản lý Nhà nước, tăng cường nguồn nhân lực là con em đồng bào các dân tộc. Phát huy thế mạnh tiềm năng du lịch đến tận các thôn bản, gia đình, đặc biệt coi trọng loại hình du lịch khám phá, nghỉ dưỡng tại các bản làng của đồng bào dân tộc. Như vậy, ngoài giải quyết tốt thu nhập kinh tế còn có tác dụng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc nơi đây.

Đến nay Hoàng Su Phì đã mở các tour, tuyến, và các công trình phục vụ du lịch như Nhà Vọng cảnh tại km 17 đường Bắc Quang - Hoàng Su Phì, Nhà trưng bày sản phẩm và khuôn viên vườn hoa tại trung tâm huyện. các tuyến đường đến điểm du lịch như Thông Nguyên - Nậm Hồng - Giàng Thượng, đường lên đỉnh Chiêu Lầu Thi, đường Nàng Đôn - Trung Thịnh cũng được nâng cấp…

Bên cạnh đó Hoàng Su Phì còn xây dựng 8 đội văn nghệ quần chúng tại các làng văn hoá điểm du lịch theo đặc thù vùng và dân tộc để phục vụ du khách. Rồi các làng nghề truyền thống, sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du khách cũng được khơi dậy như: Lò rèn đúc Lê Hồng Phong xã Nam Sơn, dệt thổ cẩm ở Hồ Thầu, Nam Sơn, Nậm Ty.

Hiện có 4 làng văn hoá du lịch mang đặc trưng văn hoá truyền thống của người Dao Đỏ thôn Đoàn Kết, xã Hồ Thầu nằm trên tuyến đi bộ Thông Nguyên - Nam Sơn - Bản Luốc - Vinh Quang. Làng văn hoá du lịch dân tộc Mông thôn Nậm Dịch xã Bản Péo, làng Dao Đỏ thôn Tấn Xà Phìn xã Nậm Ty trên tuyến Hoàng Su Phì - Hà Giang đã quen thuộc và nổi tiếng hấp dẫn du khách thập phương. Với những hoạt động ấy, đời sống người dân ngày càng được nâng cao, nguồn thu nhập ổn định, người dân càng có điều kiện giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc trong thời kỳ đất nước hội nhập.

Người lái xe khách tên là Lân và Sơn, quê gốc Nam Định đã sống với cung đường Tân Quang – Hoàng Su Phì hơn 25 năm trên chặng dài 60 cây số mà có đến hơn 700 eo núi, là người nhiệt tình giúp tôi có được những khoảnh khắc hình ảnh rất ý nghĩa này. Thỉnh thoảng anh lại dừng xe cho tôi ghi hình. Ai đó, dù ở nơi đâu, đến với mảnh đất Hoàng Su Phì đều trở thành những con người hiền dịu và dễ mến.

Ai lên Hoàng Su Phì dù chỉ một lần cũng đều nhớ mãi những hình ảnh vùng đất nơi đây, có thể dù chỉ là một bầu rượu tuôn chảy vẫn làm ngây ngất tình đời./.