Ngay sau khi lũ rút, các địa phương tập trung cho công tác khắc phục hậu quả, xử lý các giếng nước.
Toàn tỉnh Phú Yên có 47.164 giếng nước bị ngập, 48 cơ sở y tế tuyến xã hư hỏng nặng; trong đó 4 cơ sở hư hỏng hoàn toàn, sập 5 bệnh viện. Do vậy ngành y tế Phú Yên phải huy động toàn bộ lực lượng tuyến tỉnh xuống cơ sở xứ lý nước và môi trường. Từ ngày 5/11, ngành Y tế Phú Yên đã cấp 1.260.000 viên cloramin T, 220 kg cloramin B, 40 cơ số thuốc chống lụt bão xuống các địa phương. Tuy nhiên với số hoá chất trên Phú Yên không đủ để xử lý giếng nước bị ngập lụt.
Giám đốc Sở y tế Phú Yên Nguyễn Thị Minh Hưởng đã đề nghị Bộ Y tế cấp thêm cho Phú Yên 1.000.000 viên Cloramin T, 1.000ký Cloramin B để phục vụ công tác xử lý, tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho Phú Yên về công tác phòng ngừa dịch bệnh, xử lý môi trường sau lũ lụt.
Đối vơí hệ thống nước máy, tính đến ngày 8/11, công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên cấp thoát nước Phú Yên đã khôi phục hệ thống nước máy tại các nhà máy nước tại tất cả các thị trấn, thị xã, thành phố, đưa vào vận hành, phục vụ nhu cầu nước sạch cho nhân dân.
Ở các vùng nông thôn không có nước máy, Sở y tế đã chuyển đến tận các xã thuốc và hoá chất xử lý giếng nước bị ngập đảm bảo đủ theo yêu cầu, đồng thời huy động toàn bộ lực lượng cán bộ y tế các cấp phục vụ xử lý nước và xử lý môi trường.
Sinh viên trường Trung học y tế xử lý giếng nước tại Tuy An |
Chờ mãi không thấy cán bộ y tế đến giúp, chị lội bộ lên trạm y tế xã xin thuốc về bỏ giếng dùng tạm. Nước vẫn đục như nước bùn, ở hạ lưu sông Cái nên bao nhiêu xác xúc vật chết theo nước lũ trôi về, lo dịch bệnh lắm nhưng chẳng biết lấy gì để dùng!
Ông Trần Quốc Dân, chủ tịch UBND xã An Dân cho biết, hầu hết cán bộ trong xã đều kiệt sức trong khi đó khối lượng công việc phải giải quyết cùng một lúc sau lũ lụt quá lớn. Do vậy ở một số vùng sâu, cán bộ y tế vẫn chưa tiến hành xử lý môi trường và giếng nước kịp thời. Xã đã chỉ đạo cho cán bộ y tế tiếp tục bám địa bàn và hướng dẫn nhân dân cách xử lý nước, thực hiện ăn chín, uống sôi để hạn chế dịch bệnh phát sinh.
Điều đáng lo ngại hiện nay là ở vùng hạ lưu các con sông, xác xúc vật chết vươn vãi khắp nơi và thối nồng nặc. Lực lượng cán bộ y tế thì quá mỏng, trong khi đó người dân phần lớn đã mệt mỏi với việc lo thu dọn đống đổ nát sau bão của gia đình.
Ở thị trấn La Hai huyện Đồng Xuân, gần 1 tuần sau bão, các con đường nội thị của thị trấn cũng đang giống như 1 trận đồ bát quái với bùn lầy, rác bẩn và những đồ đạc hư hỏng trong các gia đình được tống ra đường. Đội quản lý rác đã phải làm việc cật lực ngày đêm nhưng không thể nào thu gom hết. Môi trường vì vậy cũng nằm trong tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Ông Trần Văn Lập ở thị trấn La Hai cho biết: vì lũ, nhà có mẹ già mất, giờ đây cả gia đình hầu như ai cũng kiệt sức. Mấy ngày sau lũ cầm cự nhờ mấy chai nước lọc của các đoàn cứu trợ. Giờ nước máy tuy đã có rồi nhưng vẫn còn bẩn lắm.
Do môi trường ô nhiễm, ở một số địa phương đã xuất hiện một số bệnh như đau mắt, rối loạn tiêu hóa, bệnh lý về hô hấp, sốt rét, sốt xuất huyết…
Trước tình trạng này, để hỗ trợ cho hệ thống y tế Phú Yên, quân khu 5 đã cử 6 quân y phối hợp cùng địa phương thành lập 3 đoàn công tác giúp dân khắc phục, xử lý môi trường sau lũ, đặc biệt là xử lý các giếng nước, giúp dân có nước sinh hoạt, phòng tránh dịch bệnh. Tuy nhiên với lực lượng như hiện nay thì khả năng khoảng 1 tuần nữa toà bộ hệ thống giếng nước bị ngập của các vùng ngập lụt Phú Yên mới có thể được xử lý hết, người dân mới có đủ nước sạch cho sinh hoạt./.