Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra nhiều vụ sụt lún đất nghiêm trọng, làm nứt nhà hoặc tạo ra nhiều hố sâu khiến người dân lo lắng. Mới đây nhất là vụ sụt lún ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ và thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, chính quyền địa phương phải di dời khẩn cấp các hộ dân trong vùng nguy hiểm. Trong khi ở Cẩm Phả, các hố tử vẫn tiếp tục xuất hiện, thì ở huyện Thanh Ba, mặc dù đã đổ đất đá lấp đầy, nhưng không được bao lâu lại bị sụt xuống. Phóng viên VOV có cuộc phỏng vấn PGS-TS Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Địa chất, Trưởng bộ môn Địa chất thủy văn, Đại học Mỏ-Địa chất Hà Nội về vấn đề này:

PV: Thưa ông, ông nhận định như thế nào về nguyên nhân của các vụ sụt lún đất và xuất hiện nhiều “hố tử thần” thời gian gần đây ở Quảng Ninh và Phú Thọ?

PGS-TS Nguyễn Văn Lâm: Về sụt lún đất nhiều năm qua đã xảy ra ở nhiều nơi, trong đó có Phú Thọ, Quảng Ninh, Tuyên Quang và ngay cả ở Hà Nội… Có ba nguyên nhân chính. Thứ nhất là do cấu trúc của nền đất đá, liên quan đến 2 phần: hoạt động karst ngầm (vùng đá vôi) và nền đất có lớp đất yếu do ảnh hưởng của mưa lũ kéo dài gây hiện tượng bão hòa đất đá, làm cho lực gắn kết phía trên yếu đi, phía dưới có các hang karst và nền đất yếu, khi mưa kéo dài gây ra dòng chảy cuốn theo đất đá có lực gắn kết yếu tạo nên hiện tượng sụt. Nguyên nhân thứ hai liên quan đến tác động nhân tạo, có thể do hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, khai thác đá, hiện tượng tháo khô mỏ hoặc nổ mìn gây nên hạ thấp mực nước, gây hiện tượng sụt lún. Nguyên nhân thứ ba, có thể do hoạt động kiến tạo địa chất xảy ra với khu vực rộng lớn.

Nhưng hiện nay ở Việt Nam, cấu trúc địa chất tương đối bình ổn. Qua các dấu hiệu cho thấy chỉ xảy ra cục bộ cho nên ảnh hưởng do kiến tạo là ít và chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để khẳng định nguyên nhân này.

tu-than.jpg
Hố đen trong phòng ngủ của bà Bùi Thị Thủy (Cẩm Phả, Quảng Ninh) ngày 26/8

PV: Thưa ông, hiện tượng sụt lún đất ở Phú Thọ và Quảng Ninh có giống nhau không và hiện tượng này liệu có lan rộng và đáng lo ngại không?

PGS-TS Nguyễn Văn Lâm: Nguyên nhân xảy ra ở 2 địa phương trên cũng có phần giống nhau. Thứ nhất chủ yếu là do nền địa chất phía dưới yếu, cũng có một phần do khai thác khoáng sản.

Nhưng có cái khác ở chỗ: Thanh Ba, Phú Thọ thì khả năng bên dưới phát triển hang karst còn ở Quảng Ninh liên quan đến đất yếu, bãi thải mỏ hoặc có khả năng liên quan đến khai thác hầm mỏ phía dưới. Hiện tượng sụt lún này là đáng lo ngại, đặc biệt trong những ngày mưa lũ kéo dài khả năng sụt lún càng dễ xảy ra. Khả năng kéo dài đến đâu thì phải có nghiên cứu đánh giá kỹ thì mới đưa ra kết luận chuẩn xác.

PV: Hiện nay các địa phương này đã xử lý bằng cách lấp đất, cát vào các hố sụt lún, biện pháp này liệu có khả thi và về lâu dài cần biện pháp khắc phục như thế nào, thưa ông?

PGS-TS Nguyễn Văn Lâm: Hiện nay có thể đưa đất, cát xuống để lấp, nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế. Khi chưa rõ được nguyên nhân sụt đó là do hố sụt karst hay dòng chảy ngầm hay do nền đất yếu, có khả năng các hang karst và dòng chảy ngầm vẫn lưu thông thì chỉ có thể ổn định trong một thời gian. Khi mưa xuống, có có thể lại bão hòa, tạo nên dòng ngầm lại có thể gây sụt.

Chính vì vậy để xử lý lâu dài, triệt để thì cần điều tra đánh giá và nghiên cứu kỹ về phạm vi cũng như nguyên nhân gây sụt. Cần có công tác điều tra đo đạc khảo sát về địa chất để xác định phạm vi phát triển của các hang karst và các nền đất yếu, xác định rõ nguyên nhân sụt lún do ảnh hưởng mưa bão hay ảnh hưởng của tải trọng bên trên gây ra sụt lún.

Trên cơ sở điều tra như vậy có thể xác định khoanh vùng nguy cơ sụt lún và đưa ra giải pháp hợp lý. Trong những ngày mưa lớn, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, quan sát hiện tượng ở nhà, mặt đất, khi có biến dạng nhà, mặt đất cần báo cơ quan quản lý để có giải pháp xử lý hợp lý.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.