- Ô tô trong gara “bỗng dưng”… cháy rụi
- Ô tô Lacetti bốc cháy dữ dội
- Xe máy lại bùng cháy dữ dội trên đường phố
- Thêm 2 xe máy Luvias và Air Blade bỗng dưng... bốc cháy
- Cận cảnh chiếc xe Luvias bị cháy rụi ở TP HCM
- Cần thêm thời gian để kết luận về các vụ cháy nổ ô tô, xe máy
- Thêm xe Air Blade và Wave Alpha bốc cháy
Các tiêu chuẩn về xăng không qui định hàm lượng acetone cụ thể, nhưng có một tiêu chuẩn khác khống chế là áp suất hơi của hỗn hợp xăng RVP (Reid Vapor Pressure): khoảng 0,6 - 0,7 bar vào mùa hè và 0,9 - 1 bar vào mùa đông. RVP thể hiện áp suất của hỗn hợp các hydrocarbon bay hơi (các hydrocarbon trong xăng, kể cả acetone nếu có) trên bề mặt chất lỏng (xăng). Nghĩa là nếu hàm lượng acetone trong xăng cao thì sẽ làm tăng RVP, đến mức nào đó sẽ vượt ngưỡng cho phép.
Acetone có cấu tạo hóa học CH3COCH3. Năm 2010, sản lượng acetone công nghiệp trên toàn thế giới là 10 triệu tấn, chủ yếu dùng làm dung môi. Chất này không màu, có mùi nồng và dễ bắt cháy. Năm 2006, có tới 10.000 tấn xăng pha acetone được nhập về TP HCM. Hậu quả là làm hỏng nhiều pông-tu xe máy, dẫn tới xe khó nổ, chết máy. Tỷ lệ pha trộn vào khoảng 14%. Ở một số cây xăng tỷ lệ này còn cao hơn.
Acetone là dung môi mạnh nên làm hỏng nhanh các chi tiết bằng nhựa và cao su trong động cơ như gioăng, làm độ kín khít của động cơ giảm. Nếu tác động liên tục và ở tốc độ cao (hàm lượng acetone cao) thì sẽ làm các gioăng này bị hỏng và acetone rò rỉ ra ngoài.
Vì acetone có tỷ trọng nặng hơn không khí nên bay thấp ở dưới mặt đất. Acetone lại có khả năng bắt cháy cao nên nếu tiếp cận nguồn nhiệt (do động cơ nóng, do các tia lửa điện từ động cơ, do ma sát, do gần các nguồn nhiệt khác từ môi trường...) nên bắt cháy và cháy ngược lại chỗ nguồn rò rỉ dẫn tới cháy nổ.
Các chi tiết của động cơ xăng thông dụng không được chế tạo chống acetone (acetone resistance), ngoại trừ các động cơ dùng xăng pha cồn Ethanol (E90, E85) là những động cơ mà các chi tiết được chế tạo chống sự tác động của dung môi đến plastic, cao su (các gioăng) và bản thân động cơ kim loại. Trường hợp Việt Nam thì 100% các động cơ xăng đều không phải động cơ dùng xăng pha cồn (dưới 5% cồn thì vẫn dùng được mà không phải thay đổi động cơ). Vì vậy những chi tiết plastic và cao su trong các động cơ này rất nhanh chóng bị phá hủy nếu tỷ lệ acetone quá cao.
Một số người vẫn pha acetone vào xăng nhưng với tỷ lệ rất nhỏ, khoảng dưới 3 ounce/10 gallon, tương đương với tối đa 0,23%. Đó là một tỷ lệ một số người tự pha, không theo tiêu chuẩn. Việc pha acetone có thực sự làm tăng hiệu suất đốt cháy xăng (tiết kiệm nhiên liệu) hay không vẫn còn tranh cãi, nơi nói có, nơi nói không. Khi các bạn mua xăng hay gọi xăng 95 (regular) hoặc xăng 98 (premium) đó là trị số octan. Trị số octan của acetone nguyên chất được cho là khoảng 150 - 156 (nguồn này tôi chưa kiểm định) nhưng có nguồn nói nếu pha 10% acetone vào xăng thì trị số octan của xăng chỉ lên được 3 số. Acetone bay hơi rất mạnh. Nếu hàm lượng acetone trong xăng cao thì sẽ làm xăng bay hơi nhanh hơn, hao hụt nhiều hơn. Do đó nếu pha nhiều acetone thì càng hao hụt về khối lượng xăng. Còn ở khía cạnh kinh tế, giá xăng trên thị trường hiện khoảng 2.100 USD/tấn (tính giá xăng trung bình 5,8 USD/US gallons, tỷ trọng trung bình của xăng là 0,72 kg/lít, (US gallon = 3,8 lít). Giá acetone trên thị trường khoảng 1.100 USD/tấn, nguồn ở đây. Mức chênh lệch giá của 1 tấn xăng và 1 tấn acetone như vậy là 1.000 USD.
Nếu tỷ lệ acetone trong xăng là 14% như các báo chí đã đề cập thì chênh lệch giá khi rút 14% xăng thay bằng acetone sẽ lời xấp xỉ 140 USD (xấp xỉ vì tỷ trọng xăng nhẹ hơn acetone chút ít). Con số thực tế sẽ nhỏ hơn 140 USD vì nếu pha tới 14% acetone trong xăng thì mức hao hụt xăng tăng cao hơn nhiều so với xăng chưa pha.
Nếu bạn thắc mắc liệu các nhà máy lọc dầu có pha acetone sẵn trước khi bán ra thị trường không thì tôi trả lời là không. Xăng khi sản xuất ra không được bán ra thị trường ngay mà được chứa trong các bồn chứa theo từng loại sản phẩm và để ổn định một số tính chất của xăng, chẳng hạn gum, mức oxi hóa...Vì độ bay hơi của acetone cao hơn xăng, hao hụt do bay hơi sẽ tăng đáng kể nên không nhà máy lọc dầu nào pha sẵn acetone với xăng để chờ bán cả. Trường hợp Nhà máy lọc dầu Dung Quất thì nhà máy không sản xuất acetone nên tôi loại trừ khả năng pha acetone từ nhà máy lọc dầu Dung Quất (giả thiết rằng NMLD không mua sẵn acetone để pha).
Ngoài ra, không loại trừ trường hợp các động cơ xe máy được sản xuất ở Trung Quốc kém chất lượng rồi xuất sang Việt Nam lắp ráp thành xe thành phẩm, nếu chất lượng và độ bền vật liệu của các động cơ, chi tiết sản xuất ở Trung Quốc thấp thì quá trình phá hủy do tác động của acetone càng nhanh chóng.
Về nguồn gốc xe và động cơ có phải hàng Trung Quốc kém chất lượng hay không thì tôi không rõ, cái này thuộc lĩnh vực quản lý thị trường, hải quan và các nhà sản xuất, nhập khẩu mới trả lời được.
Để kiểm định hàm lượng acetone trong xăng cũng như độ ăn mòn của xăng có pha nồng độ acetone như thế thì có thể mang mẫu đến Trung tâm phân tích sắc ký trong Bách khoa Hà Nội hoặc Viện kỹ thuật nhiệt đới thuộc Viện khoa học Việt Nam hoặc Viện Hóa học./.