Cần khẳng định, bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới được đưa ra nằm trong lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, nhằm nâng cao cuộc sống của người dân và góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng phát triển chung của đất nước.

Tuy nhiên, đối với từng tiêu chí, mỗi địa phương cần có cách thực hiện phù hợp tùy theo điều kiện, khả năng của mình. Thực tế việc “mềm hóa” các chỉ tiêu mà Hà Giang đang áp dụng bước đầu cho thấy phát huy hiệu quả.

Chung sức xây dựng nông thôn mới

Xác định Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị, ngay từ khi thực hiện, Hà Giang đã thành lập một Ban quản lý Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đi vào hoạt động từ ngày 5/5/2011, Ban quản lý có nhiệm vụ thực hiện tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo tỉnh về chương trình nông thôn mới.

anh-2.jpg

Nhiều công trình đang được xây dựng lên tạo nên bộ mặt mới của nông thôn ở Hà Giang

Là một tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, nằm tựa vào dãy núi Hoàng Liên Sơn và dãy Tây Côn Lĩnh, Hà Giang là địa bàn sinh sống của 22 dân tộc anh em. Bởi vậy, việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới không chỉ có ý nghĩa nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc mà còn mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, đặc biệt là đối với những vùng giáp biên.

Bên cạnh việc triển khai 19 tiêu chí của Chương trình, tỉnh Hà Giang còn thực hiện bổ sung thêm 10 tiêu chí nhỏ phù hợp với điều kiện của địa phương.

Là địa bàn có đa số là đồng bào dân tộc, sống không tập trung, bởi vậy, công tác tuyên truyền được đề cao. Ông Đỗ Tấn Sơn- Trưởng ban Quản lý Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Giang cho biết, ngoài sự góp sức của các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ…, Ban quản lý cũng thực hiện tuyên truyền vận động cụ thể tại các địa phương.

Từ những việc làm cụ thể đã xuất hiện những cách làm hay. Ví dụ như công tác tuyên truyền đã thực hiện phân rõ 9 việc cho hộ gia đình, 7 việc của thôn, 8 việc của xã. Hay như huyện Hoàng Su Phì đã thực hiện điều động hai cán bộ từ các phòng chuyên môn của huyện sang chuyên trách chương trình xây dựng nông thôn mới tại Văn phòng UBND, HĐND huyện.

Ông Đỗ Tấn Sơn còn cho biết thêm, Hà Giang đang thực hiện phát động các huyện, đoàn thanh niên tham gia làm đường giao thông thôn bản; Hội Phụ nữ thì có phong trào nhà cửa sạch sẽ…

Ở xã Thông Nguyên, đồng bào giáo dục quan tâm hơn đến việc học của con em

Chung sức xây dựng nông thôn mới, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ hơn 7 tỷ đồng và 80 tấn xi măng. “Sự góp sức của doanh nghiệp còn góp phần giải quyết công ăn việc làm, tạo đầu ra cho sản phẩm để phát huy lợi thế tiềm năng sãn có của Hà Giang”, ông Sơn nhận xét.

Thực hiện Nhà nước và nhân dân cùng làm, Hà Giang đã vận dụng mô hình hỗ trợ xi măng cho người dân làm đường thôn xóm, bản, đường vào nhà và nhà vệ sinh. Đến nay, hơn 10.000 tấn xi măng đã được hỗ trợ, ở những nơi được thí điểm thực hiện, bộ mặt nông thôn đã khang trang hơn.

“Mềm hóa” tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Là tỉnh miền núi với xuất phát điểm thấp, tuy nhiên qua gần 2 năm triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Hà Giang đã đạt những kết quả quan trọng.

Tổng sản lượng lương thực trên đầu người đạt 460kg, hệ thống giao thông liên thôn, liên xã đã được cải thiện. Đến nay tỉnh đã làm được 50km thôn bản, trên 40km kênh mương. Điều quan trọng nhất là nhận thức của người dân về nông nghiệp nông thôn đã có nhiều thay đổi tích cực.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc thực hiện theo đúng 19 tiêu chí được ban hành đối với Hà Giang có nhiều điểm chưa thực sự phù hợp.

Ông Đỗ Tấn Sơn- Trưởng ban Quản lý Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Giang

Ông Vần Kim Đưởng, Chủ tịch UBND xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì cho rằng, với địa hình bị chia cắt bởi đồi núi, việc thực hiện các tiêu chí ở xã Thông Nguyên cũng như nhiều huyện khác của Hà Giang gặp nhiều bất lợi.

Ông Đưởng nêu ví dụ: Như tiêu chí quy tụ nghĩa trang ở địa bàn xã Thông Nguyên là rất khó khăn. Đa số cơ sở vật chất hạ tầng vẫn còn yếu, đặc biệt là cơ sở giáo dục nên việc thực hiện tiêu chí diện tích lớp học tối thiểu đối với một học sinh là điều không dễ dàng.

Về vấn đề tiêu chí phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn, ông Đỗ Tấn Sơn nhìn nhận, phần lớn người dân sống chủ yếu bằng nông nghiệp và lâm nghiệp nên việc thay đổi cơ cấu lao động nông thôn đến năm 2015 là một tiêu chí khó thực hiện.

Bởi vậy, ông Đỗ Tấn Sơn, Trưởng ban Quản lý Chương trình Xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Giang cho rằng, việc thực hiện 19 tiêu chí trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đối với từng địa bàn cụ thể cần có sự thay đổi linh hoạt. Có như vậy, việc thực hiện các tiêu chí mới sát, nhân dân thực sự hưởng lợi và các địa phương mới có thể hoàn thành mục tiêu cụ thể trong việc công nghiệp hóa- hiện đại hóa bộ mặt nông thôn./.