Chiều 17/1, dù trời mưa phùn lạnh giá, hàng trăm người dân vẫn vây quanh hiện trường, dõi theo lực lượng chức năng tháo dỡ giàn giáo và tìm kiếm những nạn nhân còn lại sau vụ sập sàn mái công trình nhà thờ Ngọc Lâm (Đồng Hỷ, Thái Nguyên). Trong khi, cách đó chưa đầy 100m, người thân của 3 nạn nhân tử vong đang tất bật lo cho đám tang, tiếng kèn, tiếng khóc văng vẳng.
Anh Bùi Văn Nhâm nhà cạnh hiện trường cho hay, sáng sớm 17/1, trời mưa phùn và lạnh, nhưng cả trăm người dân vẫn có mặt đông đủ để góp sức làm lễ cất mái nhà thờ của xóm. Việc đổ mái đang diễn ra suôn sẻ, hơn 9h, anh Nhâm đang bơm nước để mọi người trộn bê tông thì tiếng kêu rắc rắc phát ra từ các cột chống, sau đó toàn bộ trần nhà đổ sập xuống, nhiều người ngã lăn lóc dưới đất.
Anh và mọi người vội chạy tới bế từng nạn nhân đưa đi cấp cứu. "Mọi việc diễn ra thật tồi tệ, không thể tưởng tượng được người bị thương nhiều đến như vậy", anh Nhâm cho biết.
Người dân và lực lượng chức năng tập trung tìm kiếm các nạn nhân (Ảnh: Báo Thái Nguyên) |
Chân đi đôi ủng dính đầy xi măng, khuôn mặt thất thần, anh Nguyễn Văn Vạn kể: "Hơn 9h, hàng chục người xách vữa chuyền tay nhau để cất mái, tôi ở dưới. Đang trộn bê tông ở đầu nhà thờ, nghe tiếng động lớn tôi giật mình ngẩng lên thì mọi thứ đã sụp đổ, hàng chục người gào thét, kêu la. Người thì lổm ngổm bò dậy với vết xây xước trên mặt, người bị thanh gỗ đè, bê tông phủ kín chân".
May mắn thoát nạn, anh Nguyễn Mạnh Quyền cho hay, vì nhà gần nhà thờ nên buổi sáng cả 3 anh em cùng rủ nhau đi đổ mái. Nhưng khi anh đang đứng ở góc bờ tường trên nóc, tay xách xô vữa vừa được anh em ở dưới chuyên lên thì tiếng rầm rầm phát ra, cả trăm khối bê tông cốt thép và hàng chục người rơi xuống đất.
"Hai anh trai tôi đang làm ở giữa sàn còn chưa kịp nhìn nhau kêu một tiếng thì đã nằm ở dưới đất, bị vữa đè lên gẫy chân", anh Quyền kể lại.
Trong khi đó, hàng chục nạn nhân bị xây xước tay chân, gãy xương nằm bất động trên giường tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên. Mặt đầy vết xước, mắt bị băng vì rách, anh Lê Văn Kiên (39 tuổi) run run giọng cho biết, chỉ nhớ đang đổ bê tông thì có tiếng kêu rắc rắc, chưa kịp nói gì cả sàn nhà sụp xuống. "Mở mắt ra thì đã thấy mình nằm trong bệnh viện được vợ chăm sóc", nạn nhân này nói thêm.
Ở khoa cấp cứu và chấn thương, nhiều nạn nhân là người thân trong gia đình, có nhà cả 3 anh em, 2 bố con đều gặp nạn. Đơn cử, anh Phạm Văn Tuyên (50 tuổi) bị gẫy 2 xương sống, gẫy răng và chấn thương phần mềm, còn con trai Phạm Văn Mạnh (23 tuổi) dù chỉ xây xước phần mềm nhưng lại bị hôn mê.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Huy Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên cho biết, trong số 47 nạn nhân nhập viện có 2 người chấn thương cột sống, một người vỡ gan, một người tràn khí màng phổi, còn lại bị thương nhẹ, xây xước phần mềm, tất cả đã qua cơn nguy kịch.
Theo ông Sơn, Bệnh viện đã huy động hơn 200 bác sỹ, y tá, điều dưỡng viên và đây là lần đầu tiên bệnh viện cử nhiều người cấp cứu như vậy.
Chiều 17/1, ông Trần Dương Hợp, Giám đốc Sở Xây dựng Thái Nguyên cho biết, sập mái công trình nhà thờ do lỗi thi công. Công trình có thiết kế, được cấp phép xây dựng, song việc thi công gây sập trần là do người dân tự thực hiện.
"Bê tông được trộn thủ công, trời lại mưa làm nền đất yếu, dễ lún, từ đó gây sập cốt pha, sập mái nhà thờ", ông Hợp nhận định và cho hay chi phí xây dựng, thi công nhà thờ Ngọc Lâm do bà con giáo dân trong vùng đóng góp.
Ngày 18/1, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục làm việc tại hiện trường, thu thập tài liệu để xác định nguyên nhân cụ thể./.