Bệnh nhân đầu tiên được mổ bằng phương pháp nội soi này là em Phạm Thị Ngân, 11 tuổi, ở Châu Lý, Quỳ Hợp, Nghệ An. Mẹ của Ngân, bà Nguyễn Thị Hoài cho biết: cháu Ngân bị tim bẩm sinh, thông lên nhĩ, hở van hai lá. Sức khỏe của Ngân rất yếu nên không thể chịu được phương pháp mổ mở. Do đó, các bác sỹ tại Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E đã tiến hành mổ bằng kỹ thuật nội soi cho Ngân.

“So với các cháu thì con tôi mổ đỡ đau vì vết mổ 3cm thôi, khỏe hơn so với những cháu mổ phanh, nhanh hồi phục, chỉ trong 3 ngày thấy cháu tỉnh táo lại, ăn uống bình thường và muốn ăn cơm. Gia đình rất vui vì cháu được phẫu thuật nội soi thành công và vui vì cháu khỏe mạnh và về đi học bình thường”- bà Hoài cho biết.

mo-tim.jpg
Một ca mổ tim theo phương pháp truyền thống

Theo Bác sỹ Lê Ngọc Thành, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E, người trực tiếp mổ tim nội soi cho cháu Ngân: Bình thường, để thay van tim, bệnh nhân sẽ phải thực hiện kiểu phẫu thuật truyền thống là mổ mở dọc lồng ngực, cưa xương ức với chiều dài từ 20-30cm. Lúc này, nguy cơ biến chứng chảy máu xương ức, nhiễm trùng xương ức sau mổ. Thời gian để liền xương cũng phải mất 3- 4 tháng. Tuy nhiên, với phương pháp mổ tim bằng kỹ thuật nội soi khắc phục được tất cả những nhược điểm của phương pháp phẫu thuật truyền thống, với vết mổ nhỏ (2 lỗ đưa dụng cụ nội soi 5mm và mở 3cm bên ngực trái để đưa van tim nhân tạo vào cơ thể) nên vết mổ nhanh liền, tính thẩm mỹ cao, ít chảy máu, phòng nguy cơ nhiễm trùng, chảy máu xương ức, người bệnh sẽ đỡ đau đớn và thời gian phục hồi sau mổ ngắn.

Thành công phẫu thuật tim bằng kỹ thuật nội soi mở ra nhiều cơ hội cho bệnh nhân mắc bệnh về tim. Kỹ thuật này đã mang lại niềm hy vọng với những người bệnh cần thay van tim nhưng không thể phẫu thuật vì sức khỏe, già yếu, có nguy cơ tử vong ngay trên bàn mổ./.