Bệnh nhân là Đoàn Ngọc Thống (38 tuổi, ở thôn 1, xã Quảng Phú, thành phố Thanh Hóa) phát hiện bị bệnh van tim hai lá từ 2 năm nay.

Bệnh nhân nhập Viện Tim Mạch, Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng tăng áp lực động mạch phổi và suy tim.

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật thay van hai lá bằng van nhân tạo. Đây là bệnh nhân đầu tiên trong cả nước được phẫu thuật bằng kỹ thuật mới phẫu thuật nội soi thay van hai lá.

So với kỹ thuật mổ hở van tim thì kỹ thuật này có ưu điểm vết mổ nhỏ, nhanh liền sẹo, có tính thẩm mỹ cao, không phải dùng chỉ thép để khâu vết mổ, không phải cưa xương ức nên tránh được biến chứng chảy máu xương ức hay nhiễm trùng xương ức sau mổ.

vantim.jpg
Bệnh nhân Đoàn Ngọc Thống

Với kỹ thuật này, việc mất máu trong mổ rất ít nên không cần truyền máu. Sau mổ bệnh nhân ít đau vết mổ hơn so với mổ tim hở thông thường có cưa xương ức. Thời gian thở máy và thời gian phục hồi sau mổ ngắn. 5 ngày sau ca mổ, đến nay, bệnh nhân Đoàn Ngọc Thống đã đi lại được và ăn uống gần như bình thường.

Bác sỹ Dương Đức Hùng - Trưởng đơn vị phẫu thuật tim mạch - Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ áp dụng rộng rãi kỹ thuật mới này.

Kỹ thuật nội soi thay van tim đã được nghiên cứu và triển khai tại các nước phát triển như: Pháp, Mỹ, Đức từ năm 1997. Tại các nước đang phát triển ở châu Á có một số nước đã triển khai kỹ thuật này trong vài năm gần đây như: Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore.

Còn tại Việt Nam đây là lần đầu tiên thực hiện được kỹ thuật này. Hiện bệnh van tim hai lá chiếm tỷ lệ cao nhất trong các bệnh về van tim do thấp, thường gặp là hẹp hai lá, nở hai lá hoặc phối hợp cả hai. Các trường hợp hở hai lá nhiều có phối hợp với hẹp hai lá thường được điều trị bằng phẫu thuật thay van tim nhân tạo./.