Từ 30-8 đến 1/9 Đà Nẵng tổ chức Hội chợ triển lãm Công nghệ thông tin và Điện tử Đà Nẵng với gần 100 gian hàng của 42 đơn vị, doanh nghiệp tham gia. Lần đầu tiên thành phố  Đà Nẵng tổ chức một hội chợ chuyên ngành về lĩnh vực công nghệ và điện tử được doanh nghiệp và người dân mong đợi. Thế nhưng, khâu tổ chức sơ sài, sản phẩm trưng bày nghèo nàn, khiến nhiều người thất vọng. 

hoicho_epmu.jpgKhánh hàng tham gia tìm hiểu các phẩm công nghệ mới tại cuộc hội chợ (ảnh: ictnews.vn)

Theo Ban tổ chức, sản phẩm trưng bày tại Hội chợ triển lãm Công nghệ Thông tin và Điện tử Đà Nẵng-2014 là linh kiện điện tử, phần cứng, phần mềm máy tính, thiết bị viễn thông, sản phẩm kỹ thuật số, thiết bị mạng, các dịch vụ đào tạo về công nghệ thông tin… trong đó, nhiều sản phẩm mới lần đầu tiên được công bố, trưng bày. Thế nhưng ngược lại với những gì mà Ban tổ chức quảng bá, Hội chợ tổ chức èo uột, sản phẩm trưng bày nghèo nàn, đơn điệu, khiến hành khách đến tham quan bày tỏ thất vọng. Trong buổi sáng đầu tiên của hội chợ thưa thớt khách tham quan, mua sắm, nhiều  nhân viên phục vụ rảnh rang chỉ biết ngồi chơi điện tử.

Ông Trần Đức Hào, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hạnh Nguyên ở Đà Nẵng bày tỏ thất vọng khi chứng kiến hội chợ toàn là sản phẩm quá quen thuộc: “Hội chợ quá nghèo nàn và không có gì thiết thực với đời sống sinh viên học sinh, chứ chưa nói đến các tầng lớp khác. Bởi những sản phẩm điện tử này đang bán đầy ngoài đường, vào bất cứ cửa hàng điện tử nào cũng có, thậm chí có cả hậu mãi cài đặt phần mềm cho sinh viên luôn. Tôi tới Hội chợ mà không mua được gì”.

Hội chợ triển lãm Công nghệ Thông tin và Điện tử Đà Nẵng được kỳ vọng là cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm và trao đổi giải pháp công nghệ thông tin- điện tử mới nhất; đồng thời là cầu nối để tìm kiếm cơ hội đầu tư, chuyển giao công nghệ và hợp tác kinh doanh, vậy mà ngay từ khâu tổ chức đã bộc lộ những yếu kém.

Ông Mai Viết Lợi, Trưởng phòng Dự án Công ty TNHH Thiên Nam Quốc, nhà phân phối thiết bị viễn thông an ninh tại khu vực miền Trung, tham gia trưng bày các sản phẩm tại hội chợ cho rằng: So với các thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, giá thuê mặt bằng tại hội chợ ở Đà Nẵng “mềm” hơn, lại được thành phố trợ giá 50%. Tuy nhiên, thông thường hội chợ phải có các dịch vụ hỗ trợ kèm theo như: bố trí khu vui chơi giải trí, chương trình ca nhạc… để thu hút khách, ở đây lại không có.

Cũng theo ông Lợi, việc chọn thời điểm tổ chức hội chợ cũng bất hợp lý. Năm nay, do nghỉ lễ dài ngày, người dân ở địa phương đi du lịch hoặc về quê, còn khách các nơi khác về Đà Nẵng thì họ đi theo tua tuyến với thời gian cố định, nên không mấy ai đến tham quan, mua sắm.

Ông Mai Viết Lợi cho biết thêm, nhiều đối tác, bạn hàng của công ty đã nhận được thư mời tham gia nhưng đều từ chối: “Thông tin về Hội chợ cách đây 3 tháng, nhưng các dịch vụ quảng cáo, tờ rơi để thu hút người đến tham gia còn ít. Hội chợ phải có người dân tham quan mới thành công được. Các đại lý của công ty ở Huế hay Đà Nẵng đã nhận được thư mời tham gia nhưng lại phản hồi không đi được, vì bận tổ chức đi du lịch”.

Đà Nẵng có lợi thế là 6 năm liền dẫn đầu cả nước về công nghệ thông tin, nền tảng chính quyền điện tử của Đà Nẵng là mô hình được Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương khác nghiên cứu nhân rộng. Đà Nẵng cũng đang phấn đấu xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh. Với những lợi thế đó, Hội chợ triển lãm công nghệ thông tin và điện tử Đà Nẵng-2014 được kỳ vọng mang lại thành công, tạo cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ trong việc ứng dụng, nghiên cứu công nghệ thông tin. Đáng tiếc, hội chợ diễn ra đìu hiu không như mong đợi./.