Đến hẹn lại lên, trước kỳ thi Đại học, Cao đẳng - vốn được xem là bước ngoặt quan trọng của nhiều bạn trẻ, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại nhộn nhịp hơn khi hàng nghìn sĩ tử, phụ huynh đến cầu thành công, may mắn.
Sĩ tử chắp tay cầu nguyện tại Văn Miếu -Quốc Tử Giám
Đầu giờ chiều nay (2/7), tại khu vực bán vé vào cổng Văn Miếu đã đông kín người xếp hàng mua vé. Theo những người làm công tác bảo tồn, khu vực nhà bia đá là nơi tập trung đông người nhất ở Văn Miếu trong vài ngày trở lại đây, nhất là ngày hôm nay. Để hạn chế tình trạng sờ, vẽ, ngồi lên rùa đá, năm nay ban quản lý Văn Miếu đã cho dựng một hàng rào sắt cao 80 cm bao quanh khu vực bia tiến sĩ. Nhiều biển báo cũng được đặt ở vị trí nổi bật để mọi người dễ đọc được. Mỗi khu vực bia tiến sĩ đều có thanh niên tình nguyện túc trực để nhắc nhở nếu có trường hợp cố ý vi phạm.
Tuy nhiên, theo bạn Nguyễn Thế Thắng (sinh viên tình nguyện trường Đại học Bách khoa Hà Nội), có nhiều thí sinh, người nhà thiếu ý thức, bất chấp sự nhắc nhở của sinh viên tình nguyện vẫn cố tình nhoài người vào khu vực bia đá, thậm chí trèo qua hàng rào sắt để sờ đầu rùa lấy may. Đặc biệt vào giữa trưa, nhiều phụ huynh xúi giục con em mình lợi dụng lúc đông người sờ tay vào đầu rùa hoặc bia đá.
"Nhiều người lạ lắm, dù có rào chắn, biển cấm họ vẫn cố xông vào sờ đầu rùa, thậm chí có phụ huynh còn hùng hổ tới giữ chặt tay chúng em để con họ vào sờ đầu cụ rùa nữa. Ở một nơi linh thiêng mà họ có những hành động như thế thật chẳng hiểu nổi", bạn Thắng cho biết.
Tại khu điện thờ Đại Thành Môn, mặc dù Ban Quản lí đã thông báo mỗi người chỉ thắp một nén nhang nhưng nhiều người vẫn đốt hàng bó hương, chen nhau khấn vái. Để không gian không quá mù mịt bởi khói hương, các bạn tình nguyện viên phải thay nhau đứng cạnh bát nhang để rút bớt đi ngay khi các sĩ tử vừa thắp xong.
Bên ngoài, mấy gian hàng thư pháp, đồ lưu niệm cũng bị vây kín bởi các thí sinh. Nhiều bạn quan niệm, đã vào Văn Miếu thì phải mua một món đồ như vòng cầu may, bức thư pháp… để những ngày thi gặp nhiều may mắn.
Đến Văn Miếu với một tâm thế khác hẳn các sĩ tử khác, bạn Nguyễn Thu Trang (quê ở Bắc Ninh, dự thi trường Đại học Hà Nội) lại bày tỏ: “Em nghĩ không phải cứ sờ được đầu rùa là sẽ gặp may mắn, làm bài thi sẽ thuận lợi mà quan trọng là sức học của mình, những kiến thức mà mình đã ôn luyện trong thời gian qua. Vì vậy, khi đến Văn Miếu, không chỉ vãn cảnh, em còn tìm hiểu thông tin trên các tấm biển giới thiệu để hiểu hơn về trường đại học đầu tiên của nước ta, từ đó cho em động lực để phấn đấu như các tiến sĩ được ghi danh ở đây”.
Một số hình ảnh sĩ tử và phụ huynh cầu may tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám chiều 2/7:
Đầu giờ chiều, khu vực để xe đã chật cứng chỗ
Khu vực mua vé ở cổng khu di tích luôn có hàng trăm người xếp hàng chờ đến lượt
Dòng người mỗi lúc một đông
Bên trong điện thờ sĩ tử và phụ huynh thành tâm khấn vái
... có bạn mang theo đồ lễ vào điện thờ
Bên ngoài điện thờ khói hương vẫn nghi ngút. Các bạn tình nguyện viên phải thay nhau đứng cạnh bát nhang để rút bớt.
Để hạn chế tình trạng sờ, vẽ, ngồi lên rùa đá, năm nay ban quản lý Văn Miếu đã cho dựng một hàng rào sắt cao 80 cm bao quanh khu vực bia tiến sĩ.
Các sĩ tử đứng bên ngoài hàng rào sắt nhìn vào khu vực bia tiến sĩ.
Nhiều người không sờ được đầu rùa nhưng lại thả tiền lẻ vào bục đá xem như lấy may
Dịch vụ viết sớ thu hút sĩ tử
Mấy gian hàng đồ lưu niệm cũng rất được thí sinh quan tâm
Ở khu vực khác, phụ huynh và sĩ tử đi chọn chữ thư pháp mua về treo