vov_1_kaxt.jpg
Không chỉ đặc biệt với nắng vàng, trời xanh, núi cao, vực sâu, mây vờn, suối lượn, mà cao nguyên Dào San còn làm say đắm lòng người bởi tình người chân chất, hồn nhiên và những lễ hội xuân độc đáo Gầu Tào.
Mở đầu lễ hội là nghi lễ cúng mang đậm văn hóa tín ngưỡng của người vùng cao, cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, nhà nhà bình an.
Theo người già trên cao nguyên Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh biên giới Lai Châu cho biết, lễ hội là một phần văn hóa tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào Mông bản địa mỗi dịp đầu năm.
Ngày mở hội Gầu Tào thường chọn ngày Thìn hoặc ngày Sửu trong tháng đầu tiên của năm mới. 
 
Mờ sáng ngày đầu năm, trên các nẻo đường từ Sin Súi Hồ, Vàng Ma Chải, Tung Qua Lìn, Pa Vây Sử, Sì Lờ Lầu… dáng người dáng ngựa đã xăm xăm rẽ mây, vén sương đi hội Gầu Tào được tổ chức ở trung tâm xã Dào San. 
Xưa kia lễ hội Gầu Tào thường do các gia đình người Mông giàu có đứng ra cúng lễ, cầu thần linh ban cho năm mới có nhiều con, nhiều cháu, lúa xếp đầy bồ, ngô treo đầy gác.
Ngày nay, Gầu Tào trở thành lễ hội vui xuân, cầu chúc truyền thống của cả bản làng, mong cho mưa thuận gió hòa, người người mạnh khỏe, nhà nhà yên vui.
Lễ hội là nơi đồng bào chia vui, gặp gỡ trong lễ hội đầu xuân.
Vui nhất là những em nhỏ được diện trên mình những bộ váy áo mới cùng nhau vui hội xuân.
Hội được tổ chức ngay sau Tết Nguyên đán, khi đất trời đang chan hòa trong tiết xuân tươi đẹp, khi vạn vật đều rạo rực một sức sống mới.
Hội Gầu Tào ngày nay đã trở thành trung tâm của mọi lễ hội mùa xuân đối với đồng bào Mông, Hà Nhì, Dao, Lô Lô… của tám xã vùng cao biên giới huyện Phong Thổ.
Gầu Tào ban đầu vốn là lễ hội của người Mông, nhưng nay tất cả các dân tộc sinh sống ở vùng này đều tham gia, góp công, góp của, góp cả bản sắc của dân tộc mình, không phân biệt là người Mông hay người Dao, Hà Nhì, Lô Lô...
Người đến hội để xem múa, nghe hát. Các thiếu nữ khoe sắc trong những bộ trang phục đẹp nhất của dân tộc mình. 
Tiếng hò hét, cười nói, nhất là đám trẻ đã rôm rả cả một vùng trời. 
Lễ hội Gầu Tào là tín hiệu báo mùa xuân về, là điểm hẹn văn hóa đáng trân quý, đáng giữ gìn của con người vùng cao Tây Bắc.
Để rồi hết hội, bà con các dân tộc địa phương lại đi nương, đi rừng, bắt tay vào lao động sản xuất với niềm tin và hy vọng về một năm mới ấm no, hạnh phúc.