Từ lâu thói quen đun nước lá mùi già để tắm trong ngày 30 Tết đã trở thành một phong tục đẹp, thiêng liêng và là nét văn hóa của người Việt Nam.

Chẳng rõ từ khi nào, những bó hoa mùi già trở thành hình ảnh của Tết. Có hoa đào, quất cảnh mà chưa có hương mùi già thì hương sắc mùa Xuân như còn thiếu và Tết dường như vẫn chưa về. Đây cũng là lý do mà cứ đến ngày 30 Tết, nhiều gia đình lại tắm nước lá mùi với hy vọng xua tan đi những điều không may mắn của năm cũ để đón một năm mới với nhiều điều tốt đẹp.

Cây mùi được chọn để nấu nước tắm trước khi cả gia đình xum vầy bên mâm cơm tất niên phải là loại mùi già đã trổ hoa, kết trái, thân cây đã chuyển từ màu xanh sang nâu tía và khi đun lên, cho mùi thơm ngan ngát, cay cay, rất riêng biệt. Mùi già cho hương thơm rất sâu và đọng lại rất lâu. Tắm xong, cả nhà vẫn phảng phất hương đến vài ba ngày Tết.

Với nhiều người dân Việt Nam, được tắm gội bằng nồi nước lá mùi với hương thơm nồng nàn, ấm áp trong ngày cuối cùng của năm cũ là như thấy những điều chưa toại nguyện, chưa vẹn tròn hay những nỗi phiền muộn trong tâm tư được trút bỏ. Bà Phạm Thị Ánh Tuyết, ở nhà số 25 phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: “Lá mùi phải là loại mùi già, chứ không phải là rau mùi. Tôi vừa mới đi mua một bó to giá 30.000 đồng cho 3 gia đình, nhà tôi và 2 cháu. Trẻ con nhà tôi, các cháu mới có 5, 6 tuổi nhưng khi ngửi thấy mùi nước lá mùi nó thích vô cùng vì từ bé đã được tắm nước lá mùi. Từ ngày xưa các cụ đã quan niệm, ngày 30 Tết, ngày cuối cùng của một năm cũ, bao nhiêu điều xui xẻo, không tốt đẹp, phải tẩy đi, để sạch sẽ đón một năm mới khang trang, vạn sự như ý”./.