Với tinh thần tương thân tương ái, mong muốn đem đến một cái Tết Trung thu vui vẻ, ấm áp với những hoàn cảnh khó khăn, ngày 8/9, “Hội từ thiện Kết nối những Tấm lòng” đã tới thăm và tặng quà cho các bệnh nhân đang điều trị bệnh phong thuộc khoa điều trị nội trú, Trung tâm Da Liễu Hà Đông (xã Đông Yên- Quốc Oai - Hà Nội).

Khoa điều trị nội trú, Trung tâm Da Liễu Hà Đông có 91 bệnh nhân phong, trong đó có 30 bệnh nhân nặng được chăm sóc toàn diện. Đa phần bệnh nhân ở đây là những người neo đơn, người già nhất đã ngoài 90 tuổi, người trẻ cũng đã 28 tuổi. Có “thâm niên” điều trị bệnh hàng chục năm, nên hầu như cả cuộc đời bệnh nhân phong gắn bó với trung tâm.

tu-thien-2.jpg
“Hội từ thiện Kết nối những Tấm lòng” tới thăm và tặng quà cho bệnh nhân phong tại Khoa điều trị nội trú, Trung tâm Da Liễu Hà Đông

Bị bệnh phong từ năm 16 tuổi, đến nay ông Nguyễn Văn Hương (81 tuổi, huyện Thạch Thất, Hà Nội) trở thành “lão làng” ở khu trung tâm này. Ông chia sẻ, bản thân những người bị bệnh phong cũng có sự tự ti và mặc cảm với chính căn bệnh của mình. Cũng chính vì lẽ đó mà dường như họ đã giao phó cuộc sống của mình cho cán bộ y bác sĩ, gắn chặt cuộc đời với mảnh đất nơi đây. Họ có quê hương nhưng không muốn trở về hoặc không thể trở về một phần vì ám ảnh bởi sự tự ti của bệnh tật, phần vì sợ làm liên lụy tới gia đình, người thân.

Hằng ngày, họ lủi thủi một mình với nỗi đau về tinh thần và thể xác. Từng ngày, từng giờ, căn bệnh phong lấy đi của họ đôi chân để đi, đôi tay để làm việc và buộc họ phải rời xa quê nhà, những người thân thích để đến với nơi biệt lập này điều trị và sinh sống. Vì sợ sự gièm pha, các cụ có cuộc sống tách biệt với thế giới bên ngoài, mọi sinh hoạt đều diễn ra bên trong khu điều trị nội trú. Con cháu trở thành người lạ, người đồng bệnh từ nơi xa lạ đến đây lại trở thành những người thân thiết hơn cả ruột thịt.

Những món quà động viên đã mang lại nguồn an ủi không nhỏ tới các bệnh nhân phong

Mặc dù được chính quyền hết sức quan tâm, được cán bộ y tá, bác sĩ tận tận tình chăm sóc nhưng sống trong khu điều trị biệt lập với bên ngoài, cái thiếu thốn nhất đối với người bệnh phong đó là tình cảm, là sự mặc cảm trong giao tiếp với xã hội.

Cụ Hương cho biết: “Người quen với chúng tôi giờ đây là các đoàn tình nguyện, là cháu làm từ thiện thi thoảng đến thăm, giao lưu. Chúng tôi không có vợ con, nên nhìn các cháu chúng tôi coi như con của mình. Được các cháu tới đây, quan tâm, chăm sóc, tặng quà thế này chúng tôi mừng lắm. Chỉ mong các cháu tới đây nhiều hơn”.

Nhận những suất quà gồm những vật dụng thiết yếu như nước mắm, nước rửa bát, gia vị, mì tôm, bánh ngọt… của hội từ thiện, hơn ai hết các cụ cảm thấy khoảng trống trong lòng như được khỏa lấp hơn. Những buổi giao lưu văn nghệ, trò chuyện và những món quà động viên đã mang lại nguồn an ủi không nhỏ tới các cụ. Sự quan tâm, chia sẻ của những người “lạ mà quen” đã tiếp thêm tinh thần, giúp những số phận thiệt thòi có thêm động lực để chiến đấu với bệnh tật, gạt bỏ sự mặc cảm trong cuộc sống.

Các bạn trẻ của Hội từ thiện kết nối những Tấm lòng nấu phở gà, trao tận tay các cụ bệnh phong

Bạn Trần Thu Trang (thành viên Hội từ thiện Kết nối những Tấm lòng) xúc động nói: “Trước đó, mình cũng rất sợ những người bị bệnh phong. Nhưng thông qua sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng và gặp những hoàn cảnh khó khăn mình cảm nhận được rằng những người bệnh phong là những người thiệt thòi nhất. Họ dường như bị xã hội lãng quên, và vẫn còn đâu đó những gièm pha, kì thị trong suy nghĩ của nhiều người. Mình hy vọng những món quà nhỏ gửi tới các cụ, những sẻ chia của cộng đồng sẽ giúp các cụ vượt qua mặc cảm về bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống. Đồng thời, mình cũng kêu gọi mọi người hãy cùng chung tay giúp đỡ những bệnh nhân phong”.

Dẫu Tết Trung thu với những bệnh nhân phong không sung túc, ấm áp tình thân gia đình như trong ký ức, nhưng những món quà nhỏ, sự sẻ chia của cộng đồng đối với họ trở nên quý giá vô cùng./.