Năm nào cũng vậy, vào mùa lạnh, Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đều tiếp nhận bệnh nhân bị ngạt khí do sưởi ấm bằng bếp than hoặc bếp củi. Các trường hợp ngạt khí than thường xảy ra ở vùng nông thôn do người dân khu vực này có thói quen sử dụng than củi để sưởi ấm. Đã có tai nạn thương tâm xảy ra. Điển hình trong đợt rét đầu năm nay, 3 mẹ con ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) tử vong vì sưởi ấm bằng than trong phòng đóng kín cửa. Hay trường hợp một bé gái 6 tháng tuổi ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã bị bỏng nặng do mẹ cháu bé dùng than củi để dưới gầm giường sưởi ấm cho con.
Phó GS-TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm chống độc-Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo: Để hạn chế ngộ độc do khí than, người dân không sử dụng bếp than để sưởi vì rất nguy hiểm. Vì nó sẽ cháy yếm khí, sinh ra loại khí độc là khí CO, nhanh chóng chiếm chỗ của oxy, hít vào sẽ gây ngạt. Ngạt này gọi là ngạt tế bào, ngạt hệ thống, chữa rất khó. Trường hợp nếu không có điều kiện, vẫn có thể dùng bếp than hoa để sưởi được, nhưng với điều kiện nhà phải có thông khí, phải hở thì mới không có hiện tượng bị ngạt.
Những trường hợp này không cấp cứu kịp thời, để thiếu oxy não lâu dẫn đến hôn mê, tử vong, nếu cứu được cũng sống đời sống thực vật do não bị tổn thương.
Còn tại các thành phố, người dân lại có thói quen sử dụng các loại máy sưởi bức xạ hồng ngoại như: quạt sưởi, đèn sưởi, lò sưởi, túi sưởi…. Đây cũng là các thiết bị tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ. Vì vậy, khi sử dụng các thiết bị này, không nên để gần người già và trẻ nhỏ. Tia hồng ngoại mang nhiệt tác động trực tiếp lên bề mặt da, vừa gây khô da, khô mũi vừa có nguy cơ bỏng cao./.