Hàng loạt các giải pháp cấp bách như xây cầu vượt thép, lắp đặt dải phân cách, tổ chức lại giao thông các khu vực… được TP. HCM nỗ lực thực hiện trong thời gian qua.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 9, tình trạng ùn tắc bắt đầu xuất hiện thường xuyên gây trễ giờ làm, giờ học, khiến người dân không khỏi ám ảnh mỗi khi ra đường.
Vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Phạm Văn Đồng gần đây thường xuyên xảy ra ùn tắc. Ảnh: Hữu Công/VNExpress |
Vào giờ cao điểm, giao thông ở các cửa ngõ và tuyến đường huyết mạch đều bị ùn ứ. Đặc biệt, trong cơn mưa tầm tã chiều 15/9, giao thông khắp nơi ở TP. HCM rối loạn vì kẹt xe, cả triệu người chôn chân không thể về nhà.
Hay khu vực vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Phạm Văn Đồng (Gò Vấp) đang là một điểm nóng về kẹt xe trong những ngày gần đây. Sáng sớm, lượng xe đổ dồn về rất lớn nên người dân phải nhích từng chút.
Dòng người đông đúc khiến các tuyến đường xung quanh như Nguyễn Kiệm, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Thái Sơn… cũng bị "vạ lây" khi hàng nghìn ôtô, xe máy xếp hàng dài không thể lưu thông.
Anh Nguyễn Thanh Duy ở quận Gò Vấp cho biết, bình thường chỉ mất khoảng 25 phút để đến cơ quan, nhưng thời gian gần đây phải đánh vật hơn một giờ chỉ để vượt qua được "điểm nóng" này.
"Kể từ ngày vòng xoay được mở rộng ra, mặt đường bị thu hẹp nên kẹt xe xảy ra thường xuyên, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn", anh Duy cho biết.
Đồng quan điểm, đại tá Trần Thanh Trà - Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP. HCM - cho biết, nguyên nhân dẫn đến kẹt xe tại thành phố là do lượng xe cá nhân tăng quá nhanh, trong khi đường xá, cơ sở hạ tầng không theo kịp.
Sau thời gian tạm lắng, tình trạng ùn tắc ở đường Trường Chinh, đoạn mũi tàu nghiêm trọng trở lại. Ảnh: Hữu Công/VNExpress |
"Nhiều nút giao lượng xe quá lớn gây xung đột. Nhiều điểm bị nút thắt cổ chai cũng gây nên tình trạng kẹt xe. Thời gian gần đây tình trạng này xuất hiện thường xuyên hơn một phần do học sinh bắt đầu đi học trở lại, lượng người cùng một lúc ra đường trong giờ cao điểm nhiều hơn", ông Trà nói.
Dù lực lượng CSGT thời điểm đầu năm học đều có kế hoạch phân luồng, điều tiết nhưng phương tiện cá nhân mỗi ngày mỗi tăng thì tình trạng ùn tắc xảy ra ngày một nhiều.
"Trong tuần này Phòng CSGT sẽ làm việc với Sở Giao thông Vận tải để tham mưu cho UBND TP các giải pháp cấp bách giảm kẹt xe trên địa bàn", ông Trà cho biết.
Về điểm nóng kẹt xe vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm gây búc xúc thời gian qua, đại diện Sở GTVT cho hay, thiết kế ban đầu của vòng xoay có đường kính 80 m. Sau đó Sở đã cho thu hẹp còn 70m, làn đường xung quanh vòng xoay là 26 m đủ cho 6 làn xe lưu thông.
Hiện, Sở giao các đơn vị nghiên cứu giải quyết ùn tắc giao thông tại đây bằng phần mềm mô phỏng lưu lượng xe, trên cơ sở đó đưa ra phương án giải quyết trong thời gian tới.
Theo Sở GTVT, UBND TP đã đồng ý cho thực hiện dự án xây dựng nút giao gồm hệ thống hầm chui và cầu vượt tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ để giảm ùn tắc cho khu vực cửa ngõ phía Nam thành phố.
Dự án mở rộng các tuyến đường xung quanh bến xe Miền Đông cũng được triển khai trong thời gian tới để giải quyết ùn tắc ở cửa ngõ phía Đông.
Vụ kẹt xe hơn 2 giờ vì đèn tín hiệu giao thông không hoạt động tại ngã tư Thủ Đức hôm 7/9 khiến nhiều người trễ giờ làm, giờ học. Ảnh: Hữu Công/VNExpress |
Trong khi đó, TS Phạm Sanh - giảng viên Đại học Giao thông vận tải - cho rằng, với lượng xe và người tăng như hiện nay, thành phố cần tập trung làm tốt các giải pháp ngắn hạn trước khi chờ các giải pháp dài hạn như metro, xe buýt nhanh hoàn thành.
"Cần phải khảo sát lưu lượng xe đi lại trên các trục đường chính, từ đó mới có hướng xử lý các điểm giao cắt như mở rộng các điểm rẽ phải, hoặc phân luồng bớt lượng xe qua các đường nhánh để giảm áp lực ở tuyến đường chính", ông Sanh nói.
Theo ông Sanh, do lượng xe thay đổi ở từng thời điểm nên rất cần sự phân luồng thường xuyên hơn. Ví dụ, vào giờ cao điểm trên các tuyến đường ôtô rất rộng nên cho xe máy đi vào một làn, sau giờ cao điểm thì không cho đi nữa. Hoặc có thể điều chỉnh lại đèn tín hiệu giao thông, bởi tại các nút giao tùy từng thời điểm lượng xe trên các tuyến đường khác nhau.
Như đường Đinh Bộ Lĩnh giao với Bạch Đằng vào buổi sáng lượng người từ các ngoại thành về trung tâm rất đông. Vì vậy đèn giao thông buổi sáng chiều Đinh Bộ Lĩnh nên điều chỉnh lâu hơn cho dòng xe thoát ra. Hết giờ cao điểm thì để như chế độ bình thường.
Ngoài ra, tại các ngã tư phải giải tỏa các nhà tạm, cột điện để mở rộng các lối rẽ. Cần nâng cao hạ tầng hiện có và phải làm cho được vấn đề lòng lề đường.
"Đây là những giải pháp ít tốn kém mà hiệu quả, song dường như lại chưa được chú trọng. Và điều quan trọng, cán bộ ngành giao thông phải xuống đường nhiều hơn thì mới tìm ra được giải pháp", ông Sanh nói./.