"Chồng tôi làm công nhân may, lương khoảng 7-8 triệu nhưng anh chỉ đưa cho vợ một nửa, số còn lại, anh để chi tiêu cá nhân. Chồng có một đám bạn thân, đều là những người cùng quê lên thành phố lập nghiệp. Mỗi lần đi đâu với bạn, chồng tôi luôn chủ động trả tiền, hôm thì vài trăm, hôm thì tiền triệu.
Không chỉ chuyện tiền bạc, chồng tôi lại cũng rất hay khoe khoang. Nhà 4 người đang phải thuê một phòng trọ giá rẻ, chật chội, chỉ vẻn vẹn chừng 20m2, những ngày này, nóng bức không ngủ được, thế mà đi đâu anh cũng khoe nhà thuê rộng rãi, đầy đủ tiện nghi. Nhiều khi vui mồm anh còn khoe: Muốn mua nhà nhưng mà chưa chọn được cái nào ưng ý nên thuê cái nhà đàng hoàng để ở, khi nào tìm được cái nhà ưng ý mới mua. Tôi ái ngại về cách nói chuyện của chồng, có khi chính tôi cũng thấy sợ vì khả năng ‘chém gió’ của anh.
Nhiều lần tôi cũng góp ý về việc chi tiêu tiết kiệm, ăn nói phải chừng mực nhưng anh ấy rất khó chịu và nói, đó là việc riêng của anh, cứ kể nghèo, kể khổ, ai tôn trọng và rằng mình bỏ ra tí tiền mà lấy được lòng người khác, có thêm quan hệ còn hơn là cứ sống ích kỷ rồi chẳng ai chơi. Nói thật, nếu chúng tôi dư dả thì chẳng nói làm gì nhưng hiện cuộc sống gia đình tôi rất khó khăn, nếu cứ như vậy, cuộc sống của chúng tôi bao giờ mới khá lên được"
Sau khi chương trình phát sóng, chúng tôi đã nhận được nhiều lời góp ý, chia sẻ của bạn nghe đài. BTV chương trình cũng có đôi lời với nhân vật:
Tôi thấy chồng bạn có 2 vấn đề cần phải giải quyết, đó là thói sĩ và tính ba hoa, khoác lác. Một người đàn ông chỉ cần có 1 trong 2 thói này đã khiến vợ đau đầu rồi, trong khi chồng bạn lại có đủ cả 2. Do vậy bạn thấy cuộc sống mệt mỏi, bức xúc với chồng cũng là điều dễ hiểu.
Trước hết về vấn đề tài chính trong gia đình bạn. Tôi nghĩ gia đình nào cũng vậy, việc giải quyết những bất đồng trong vấn đề tài chính gia đình không bao giờ là dễ dàng vì nó liên quan đến rất nhiều chuyện như quan điểm, điều kiện sống cũng như tính cách và thói quen sử dụng tiền bạc của mỗi người. Gia đình nào cũng vậy bạn ạ, vấn đề kinh tế của vợ chồng luôn khá nhạy cảm và cần sự tế nhị để giải quyết ổn thỏa cho cả đôi bên.
Thực tế có cặp đôi đề cập chuyện tiền nong quá trực diện, thành vấn đề “nóng” của gia đình và tạo ra hố sâu ngăn cách của 2 vợ chồng. Dần dần cũng chỉ vì kinh tế mà phải ly hôn. Với gia đình bạn, tôi thấy anh ấy cũng có trách nhiệm khi đưa một nửa lương cho vợ. Tuy nhiên ai cũng vậy, khi đã là vợ thì muốn chồng toàn vẹn cho gia đình.
Để giải quyết ổn thỏa việc này, cần sự khôn khéo và thuyết phục được anh ấy. Nếu có thể, bạn nên bỏ thời gian ghi chép cụ thể những khoản chi tiêu trong gia đình mỗi ngày và đưa cho chồng. Cùng với đó, tỉ tê, ngọt nhạt với anh ấy về mức tiền đưa mỗi tháng có ảnh hưởng như thế nào tới gia đình, đặc biệt khi con lớn, các khoản chi sẽ nhiều hơn, nếu không có tích lũy thì ảnh hưởng như ra sao đến vợ chồng khi những chuyện không may xảy ra.
Nên nhớ, những cuộc trò chuyện này phải luôn trong không khí cởi mở, ngọt ngào, bạn nhé. Bởi nếu nóng nảy, mục đích hướng tới sẽ không bao giờ đạt được. Nếu anh ấy đồng ý với những phương án bạn đưa ra, cũng đừng nên buộc anh ấy ngay vào khuôn khổ mà cần cho anh ấy một thời gian. Mỗi lần anh ấy gặp gỡ bạn bè, bạn có thể đi cùng anh ấy và có thể là người trả tiền. Tôi tin, những người bạn có ý thức cũng sẽ dần nhận ra vấn đề và sẽ không để bạn trả tiền mãi như vậy.
Cùng với đó, mỗi tháng lương hãy để lại cho anh ấy một khoản nhất định để anh ấy chi trả những khoản phải tiêu pha cần thiết hàng ngày. Như vậy, bạn có thể đạt được mục đích về kinh tế và giúp chồng bỏ thói tiêu xài hoang phí, cùng vợ lo lắng cho gia đình. Còn về sự khoác lác, tôi nghĩ, cũng có thể đó cũng là một phần tính cách của anh. Các cụ ta đã nói “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, chính vì vậy, bạn phải xác định là uốn nắn “trường kỳ”. Nhưng cũng nên nhớ rằng, để người khác thay đổi, cần phải có sự mềm mỏng, khéo léo và tế nhị, còn nếu không, cứ cho rằng đó là một nét đáng yêu nếu điều đó không ảnh hưởng đến đời sống vợ chồng, bạn nhé./.