Ai đây? Có phải cô em dâu mà tôi đã từng quý như em gái? Có phải người con dâu mà mẹ đã từng thủ thỉ với tôi: “Mẹ sẽ xem nó như con ruột, mẹ sẽ thương con dâu như con gái…” đây ư?

Tôi choáng váng với câu từ cay nghiệt của em. Và tôi đau khi biết những từ ngữ khiến lòng người tươm máu ấy dành cho mẹ tôi – người mẹ chồng hết lòng thương dâu con, lo toan hết mực cho cháu!

Đã năm năm em về nhà mình rồi nhỉ? Năm năm cũng có những lúc mẹ chồng nàng dâu “canh không lành canh không ngọt” nhưng tôi biết mẹ chưa bao giờ xem em là người ngoài.

Em có nhớ những ngày đầu em về làm dâu, khi nghe em xin phụ tiền ăn hàng tháng, mẹ đã từ chối đầy “hách dịch” rằng mẹ lo được. Em chỉ cười và nghĩ đơn giản rằng có lẽ mẹ có “vốn” riêng và vô tư nhận từ mẹ.

Nhưng em biết không, mẹ đã cố gắng bươn chải hơn từ ngày con trai lấy vợ bởi nhà thêm miếng ăn, điện nước thêm người dùng. Vậy mà mẹ vui và không hề tình toán. Tôi nghe mẹ kể: “Hai vợ chồng mới cưới, thu nhập chưa ổn định, nhận tiền chi tiêu của em, mẹ cũng không đành” và thấy thương mẹ vô cùng! Có được mấy bà mẹ chồng biết thông cảm và thấu hiểu như thế đâu em? Đòi hỏi gì hơn thế nữa từ tấm lòng người mẹ muốn thu vén cho con cho cháu?

Thế là với chiếc xe đạp cũ và mấy rổ cá, mẹ bươn chải để lo mọi chi tiêu trong nhà. Nắng mưa chưa hề ngơi nghỉ. Khỏe mạnh hay ốm đau cũng lăn lóc ngoài chợ muốn kiếm thêm ít đồng lẻ phụ con. Không than thở. Chẳng trách móc. Vậy mà sao em nỡ nói “khác máu tanh lòng” cho lòng mẹ đau?

Vợ chồng em cưới nhau đã mấy năm mà chưa có con, mẹ lo lắm chứ nhưng không hề hối thúc và trách móc gì cả. Mẹ chưa hề nói nặng nói nhẹ em một lời nào như thiên hạ vẫn thầm rủ rỉ “cây độc không trái, gái độc không con”. Chưa khi nào tôi nghe mẹ trách móc, cạnh khóe. Ra chợ bán, mẹ tranh thủ hỏi thăm người này người kia để tìm thầy tìm thuốc cho em.

Đi đám cưới, đám giỗ, có ai hỏi: “Sao hai đứa cưới nhau lâu rồi mà chưa có con?”, sợ em buồn nên mẹ nhanh miệng nói đỡ: “Con cái là trời cho. Vợ chồng nó hạnh phúc là tui mừng rồi”. Chừng đó chưa đủ để em thấy tấm lòng bao dung và vị tha của mẹ ư?

Rồi những ngày vợ chồng em đi chữa bệnh, mẹ cố dành dụm để phụ vợ chồng em vì biết chữa bệnh vô sinh tốn nhiều tiền. Sợ em lo lắng, mẹ không ngừng động viên em. Thậm chí, mẹ đã nói: “Cứ chữa đi con. Không được thì mình nhận con nuôi. Đừng lo lắng quá!”. Người mẹ rứt ruột sinh ra em đã có thể mở miệng khuyên nhủ và gạt phắt đi như thế kia chưa?

Thời gian ấy, bữa ăn bao giờ cũng có thêm đĩa cá ngon, tô canh gà… mẹ nấu riêng để tẩm bổ cho em. Đi bán vất vả nhưng về nhà là mẹ bắt tay lau chùi, dọn dẹp, nấu nướng… Mẹ làm hết mọi việc vì biết em mệt mỏi. Không than thở một lời.

Rồi em mang thai. Mẹ mừng chảy nước mắt. Lại lo lắng. Lại hết lòng chăm sóc. Nhìn em ốm nghén không ăn được gì, mẹ khóc. Nhìn em cứ nôn  mãi, đêm mẹ trằn trọc thở dài. Đó không phải là thương thì là gì em ơi?

Chưa đủ ngày đủ tháng mà em sinh. Mẹ lo lắng đứng ngồi không yên. Gặp bác sĩ là níu lại hỏi. Gặp y tá là nhờ để ý giùm. Cầm chén cơm, mẹ nuốt không trôi nghĩ đến đứa con dâu đang vật vả với cơn chuyển dạ mà thương mà xót.

Rồi em mẹ tròn con vuông. Mẹ mừng phát khóc. Em ở bệnh viện bao nhiêu ngày thì mẹ thức bấy nhiêu đêm. Khuyên mẹ ngủ thì mẹ chỉ cười: “Mẹ canh cháu cho em ngủ. Chứ không nó lo lại thức tội nghiệp. Mới sinh nên sức khỏe yếu”.

Con em đau, mẹ chỉ nghe tiếng khóc là lật đật chạy vào phụ bồng, phụ dỗ. Em mệt thì mẹ chẳng cho em động tay vào việc gì.

Có lần tôi còn nói đùa: “Mẹ có con dâu nên quên luôn con gái rồi”. Mẹ chỉ cười bảo: “Em nó về nhà mình thì là con nhà mình chứ dâu mô”.

Vậy đó em. Một người mẹ chẳng lo gì cho bản thân. Ăn không dám ăn. Mặc không dám mặc. Nhưng luôn không ngừng ngại cho con cho cháu mọi thứ. Một người mẹ luôn xem con dâu là con của mình.Thì sao mà “khác máu tanh lòng” được em ơi?

Chén bát còn va nhau thì sống cùng nhà sao tránh khỏi lúc này lúc kia không vừa ý. Chưa kể em và mẹ là người của hai thế hệ. Khoảng cách tuổi tác khiến suy nghĩ có khi khác nhau. Cách chăm con chăm cháu vì thế có khi cũng khác. Nên nếu mẹ có nói đôi ba lời khiến em không vui thì em cứ tâm sự với mẹ, cùng lắm là tìm con gái mẹ đây mà “kể tội” mẹ.

Chứ sao em nỡ xát muối vào lòng mẹ bằng cụm từ “khác máu tanh lòng” như thế kia?./.