Thông thường, khi xem xét những gì một đứa trẻ 5 tuổi cần biết, chúng ta thường tập trung vào việc chuẩn bị cho chúng những kỹ năng cần thiết mà chúng sẽ cần khi bắt đầu đi học, như cách đếm số từ một đến mười, khả năng vẽ tranh hay cách tự cài cúc áo cho mình.
Mặc dù những kỹ năng này tất nhiên là quan trọng và tạo nền tảng cho quá trình chuyển tiếp suôn sẻ lên tiểu học, nhưng những phẩm chất đạo đức mới có thể đặt nền tảng cho con người của con, cả trong những năm học sắp tới cũng như cuộc đời phía trước. Vậy những giá trị quan trọng nhất bạn nên dạy cho con khi lên 5 tuổi là gì?
1. Trung thực và chính trực
Thông thường, trẻ sẽ bắt đầu học cách nói dối ở giai đoạn này. Điều này được thúc đẩy mạnh mẽ khi chúng bắt đầu đi học với sự ảnh hưởng của nhóm bạn cùng trang lứa. Vì vậy, đặt nền tảng của một cái nhìn trung thực trước giai đoạn này thực sự có thể hữu ích.
Những lời nói dối thường xuất phát từ nỗi sợ hãi khi gặp rắc rối. Do đó, hãy cố gắng đảm bảo rằng trẻ luôn được lắng nghe và không bị trừng phạt vì những lỗi lầm nhỏ bé. Khi chúng nói ra sự thật, dù đó có là những lỗi lầm đi nữa, bạn cũng không nên nặng lời hay chỉ trích con, nếu không sẽ tạo dựng một nỗi sợ rằng nếu chúng làm gì sai, dù nói thật vẫn bị phạt, thì lựa chọn nói dối sẽ là một hướng đi được ưu tiên hơn. Hãy cho con thấy những điều tốt đẹp khi nói ra sự thật.
2. Biết chia sẻ
Trong quá trình từ trẻ sơ sinh lớn lên thành trẻ nhỏ, chúng có nhận thức cao về những gì mình đang sở hữu, thường hay giành giật để có được thứ mình muốn. Tuy nhiên, cuộc sống sẽ không dễ dàng như vậy khi trẻ trưởng thành, không phải cứ gainhf giật là sẽ có được thứ mình muốn. Vì vậy, học cách chia sẻ là một phẩm chất cần thiết cho trẻ. Một cách tốt để khuyến khích thái độ chia sẻ là các trò chơi nhập vai, chẳng hạn như tiệc trà, chơi đồ hàng, vân vân. Các trò chơi nhóm đơn giản cũng sẽ khiến trẻ học cách giúp đỡ và chia sẻ với người khác.
3. Sự tôn trọng
Sự tôn trọng sẽ là một giá trị có thể giúp trẻ có được những mỗi quan hệ chân thành và bền lâu. Một trong những cách tốt nhất giúp trẻ học được phẩm chất này chính là từ cha mẹ của chúng. Một đứa trẻ thường là tấm gương phản chiếu của người lớn xung quanh chúng. Bạn có nói chuyện với người bạn đời của mình với sự tôn trọng không? Bạn có tôn trọng những thứ bạn đang có không? Bạn có nhớ cách cư xử của mình khi nói chuyện với con mình không?
Một khi con bạn nắm vững nền tảng cơ bản về phép lịch sự và tôn trọng, bạn có thể chuyển sang những hình thức phức tạp hơn về sự tôn trọng. Ví dụ như dạy con cách tôn trọng ý kiến khác nhau của mọi người, không có ai hoàn toàn đúng hay sai.
4. Biết ơn
Khi một đứa trẻ lớn lên, chúng đang chuyển từ quan điểm mình là trung tâm của thế giới, sang quan điểm hướng tới những người xung quanh hơn. Song song với điều này, chúng cần phát triển và hiểu rõ giá trị của lòng biết ơn. Nó sẽ giúp chúng có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống.
Những năm mầm non là thời điểm lý tưởng để dạy trẻ cách thể hiện sự biết ơn bằng cách khuyến khích và giúp đỡ trẻ ghi lại những lời cảm ơn khi được tặng quà sinh nhật hoặc được ai đó giúp đỡ dọn dẹp đồ chơi, nhặt đồ hoặc nấu ăn cho mình.Chỉ khi con học được cách biết ơn người khác, con mới có thể nhận được điều tương tự. Điều này là một nền móng vô cùng quan trọng cho trẻ khi bước vào tuổi trưởng thành.
5. Học cách tha thứ
Những đứa trẻ thường chưa thể suy nghĩ thấu đáo, chỉ biết rằng bạn này làm điều sai và bạn cần bị phạt. Tuy nhiên, nếu suy nghĩ “ăn miếng trả miếng” này của trẻ đeo bám chúng suốt cả tuổi thơ, thì sau này, con trẻ sẽ rất khó để tha thứ và sống hạnh phúc. Tha thứ không có nghĩa là quên hay giả vờ như điều đó không đau đớn, mà tha thứ là một hành động rèn luyện cho ta nhìn vào bức tranh lớn hơn, chứ không chỉ tập trung vào những lỗi lầm nhỏ nhặt của người khác. Chúng ta có thể khuyến khích trẻ nói “không sao cả” sau khi được xin lỗi đối với những lỗi lầm không quá to tát. Khả năng tha thứ là một điều không phải ai cũng có thể làm được./.