Ngoài đón Tết cổ truyền, người Vân Kiều ở bản Khe Giữa (xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) còn đón Tết lúa mới. Đón Tết lúa mới, người Vân Kiều dâng hương báo cáo với Giàng, thổ thần, tổ tiên biết họ được mùa hay mất mùa và cầu mong cho mùa sang năm được bội thu hơn.

Những mùa xuân no ấm

Chúng tôi có mặt ở bản Khe Giữa khi trên cánh đồng những bông lúa đã chín vàng. Trong bản, người lớn đang chuẩn bị gặt lúa, lũ trẻ chơi trốn tìm quanh ngôi nhà sàn. Từ xa vẳng lại câu hát: “Bản làng ơi được mùa, ta không còn đói nghèo…”. Già làng Hồ Văn Tỉnh năm nay đã 75 tuổi, hồ hởi khoe chúng tôi, đó là câu hát của người Vân Kiều mừng Tết lúa mới. Đây là phong tục đã có từ lâu đời.

gia-gao-tr.jpg
Giã gạo chuẩn bị cho Tết lúa mới

Theo già làng Hồ Văn Tỉnh, lễ mừng Tết lúa mới của người Vân Kiều những năm gần đây diễn ra đầm ấm, trọn vẹn, bởi năm nào cũng được mùa. Cái bụng người Vân Kiều ở bản Khe Giữa không còn đói là nhờ sự tận tụy, hướng dẫn của cán bộ khuyến nông huyện Lệ Thủy, giúp bà con thay đổi tập quán từ bao đời quen phát nương, làm rẫy, chọc lỗ trỉa hạt sang sản xuất lúa nước cho năng suất cao hơn.

Tết lúa mới của người Vân Kiều ở bản Khe Giữa diễn ra vào tháng 8, trước khi tiến hành gặt lúa. Các gia đình chuẩn bị rượu, gà, gạo nếp, các loại bánh nếp, xôi… đặt lên mâm cúng. Người đàn ông, trụ cột trong gia đình dâng hương báo cáo với Giàng, thổ thần, tổ tiên tình hình mùa màng năm nay được hay mất. Báo cáo thổ thần biết để xua đuổi chuột, thú rừng phá hoại mùa màng và sau nữa là xin tổ tiên chứng giám mà phù hộ cho mùa sang năm được bội thu hơn. Đêm xuống, bên ché rượu cần, ánh lửa bập bùng xua đi giá rét, người Vân Kiều chúc nhau những điều may mắn trong tiếng khèn, tiếng hát đối mừng được mùa.

Ông Hoàng Công Lành, Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy cho biết, xen giữa Tết lúa mới, khoảng 3-4 năm lại tổ chức thêm lễ đâm trâu, diễn ra trong 2 ngày 1 đêm. Đây là một nghi lễ cổ xưa, xuất phát từ tín ngưỡng nguyên thủy vẫn còn tồn tại cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều.

Trước khi vào lễ, đồng bào chuẩn bị dựng cột nêu để buộc trâu. Trên cột nêu có trang trí hình cây lúa, hình chim muông, mặt trăng, mặt trời. Dân làng đứng xung quanh thành vòng tròn vừa đi vừa đánh chiêng, hò hát vang dội núi rừng. Mục đích là để tế thần lúa và cảm ơn các vị thần linh đã cho dân làng một mùa bội thu. Đồng thời, lễ hội còn là dịp để cầu phúc, cầu sức khỏe cho dân làng được an bình, hạnh phúc.

Nguyện theo Đảng, Bác Hồ

Trong ngôi nhà sàn của già làng Hồ Văn Tỉnh, trên bàn thờ có ảnh Bác Hồ, trên vách gỗ là Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc… được treo ở vị trí trang trọng. Những kỷ vật vô giá ấy được già làng Hồ Văn Tỉnh nâng niu để nhắc nhở, giáo dục thế hệ con cháu theo Đảng, theo Bác, chăm chỉ lao động, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên quê hương mới.

Già làng Hồ Văn Tình thổi khèn mừng Tết lúa mới

Nhớ lại những ngày đầu theo cách mạng, lúc đó già làng Hồ Văn Tỉnh còn quá nhỏ, ông chỉ biết rằng bố ông tham gia kháng chiến chống Pháp. Tới khi trưởng thành, ông tham gia hoạt động du kích. Ngày hòa bình lập lại, ông tham gia hoạt động chính quyền xã. Tới khi nghỉ hưu, ông về làm già làng bản Khe Giữa.

Thời gian thấm thoắt trôi, ngẫm lại, ông thấy từ ngày theo Đảng, Bác Hồ, người Vân Kiều được nhiều lắm. Trước đây, người Vân Kiều chủ yếu sống du canh, du cư, nay đây mai đó, phương thức sản xuất nhỏ lẻ, săn bắt, hái, lượm… nên cuộc sống khó khăn, vất vả.

Từ khi cách mạng thành công, nhờ có Đảng, Bác Hồ, người Vân Kiều không còn du canh, du cư nữa mà sống tập trung, tiếp cận với phương thức sản xuất mới…  Những ngôi nhà sàn mới được dựng lên, giúp đồng bào chống chọi với giá rét. Người Vân Kiều giờ cũng đã có cái màn để tránh con muỗi.

Cũng nhờ Đảng, Nhà nước, bản Khe Giữa được xây dựng đập Bãi Càng, đưa nước về tưới tiêu cho 11 ha đồng ruộng. Những cánh đồng, vạt núi trước đây hoang hóa nay đã được phủ xanh. Giờ đây người Vân Kiều có cái đường đi thuận tiện, cái trường, dòng điện để sản xuất, thắp sáng con chữ… Đời sống của đồng bào ngày càng được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.

Người Vân Kiều không chỉ đón Tết lúa mới mà còn đón Tết cổ truyền dân tộc. Theo già làng Hồ Văn Tỉnh, trong mâm cỗ cúng dầu năm của người Vân Kiều, bao giờ cũng có một đĩa bánh đen, một con gà và bánh nếp… Rượu cần là thức uống không thể thiếu, vừa dùng để dâng cúng tổ tiên đêm Giao thừa và cũng để mời khách đến chơi xuân. Ngày mùng một Tết, mọi người trong gia đình ở nhà chúc tụng nhau. Ngày mùng 2 đi chúc Tết họ hàng. Ngày mùng 3 thì đi chúc Tết bà con hàng xóm.

Ông Hoàng Công Lành, Chủ tịch UBND xã Ngân Thủy cho biết, xã có 6 thôn bản, các thôn bản nằm theo tuyến đường Hồ Chí Minh. Diện tích đất tự nhiên vào khoảng 16.000 ha, 83 ha ruộng, với gần 2.000 dân. Trong đó, dân tộc Kinh và Vân Kiều chiếm 65%. Trên địa bàn xã, các tuyến đường giao thông đang được đầu tư, điều kiện đi lại của bà con thuận tiện hơn. Xã đã giao đất, giao rừng cho bà con, hỗ trợ kiến thức trồng trọt nên bà con yên tâm bám đất, bám rừng tạo được thu nhập thêm. Nhờ vậy, cuộc sống của đồng bào đã ấm no hơn.

Chia tay bà con ở bản Khe Giữa, chúng tôi tin với sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, sự cần cù lao động, sáng tạo, chắc chắn đồng bào sẽ có nhiều cái Tết đầm ấm hơn./.