Việc rắn lục đuôi đỏ xuất hiện nhiều bất thường và cắn người tại một số địa phương miền Trung khiến người dân hoang mang lo lắng. Đề phòng rắn lục đuôi đỏ, người dân đổ xô đi mua nén củ rải quanh vườn, làm cho giá nén tăng đột biến.

ran_luc_zcin.jpg
Rắn lục đuôi đỏ
Tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang vừa có thêm 1 trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn khi đang cắt rau, phải đưa vào bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu. Ông Đặng Công Tích, ở thôn Túy Loan Đông 1, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang cho biết, rắn lục đuôi đỏ liên tiếp xuất hiện trên địa bàn thời gian gần đây làm cho người dân hoang mang lo lắng. Trong xóm của ông, mọi người đều chủ động phát quang cây cối, bụi rậm quanh vườn để phòng rắn xuất hiện.

“Trong thôn Túy Loan cũng có một số nhà bị rắn cắn, để đề phòng, buổi tối họ ít đi ra ngoài. Gia đình nào cũng cảnh giác phát quang bụi lùm đề phòng rắn lục. Rắn lục kỵ nén, nên họ kiếm xả với nén giã, trộn với nhau rải quanh khu vực nhà ở”, ông Tích cho biết.

Theo kinh nghiệm dân gian, nén củ giã trộn với xả có thể xua đuổi được rắn, nên những ngày qua người dân đổ xô đi mua nén củ, làm cho mặt hàng này trở nên khan hiếm, giá tăng đột biến. Bà Tỵ - bán hàng xén tại chợ Túy Loan, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết: Trước đây, nén củ giá chỉ từ 190.000 đồng đến 200.000 đồng/1 kg, nhưng hiện tại đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần

“Trước đây giá mua vào thường là 190.000, 200.000 đồng, sau đó tăng lên 280.000 đồng. Người ta mua số lượng nhiều hơn ngày thường, có ngày không có hàng để bán. Có ngày cao điểm, buổi sáng giá 300.000 đồng, đến trưa đã tăng lên 500.000 đồng/1kg vậy mà không có để bán”, bà Tỵ nói. 

Đến nay, tại các tỉnh như Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng đã ghi nhận hơn 150 trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn, phải vào cơ sở y tế điều trị. Trước đây, sau khi bị rắn cắn, người dân thường tự sơ cứu bằng các phương pháp dân gian như: đắp lá, rạch vết thương để nặn chất độc ra ngoài, hay dùng dây thun buộc chặt vết thương để khống chế nọc độc phát tán…

Tuy nhiên, theo bác sỹ Ngô Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 thành phố Đà Nẵng, trường hợp bị rắn cắn cần sử dụng kỹ thuật bất động và băng ép để sơ cấp cứu, sau đó chuyển ngay đến bệnh viện gần nhất để được theo dõi và điều trị.

“Tất cả các trường hợp bị rắn cắn trong thời gian gần đây chỉ biểu hiện tại chỗ, chứ không biểu hiện toàn thân và chưa có ca nào tử vong. Khi bị rắn cắn chúng ta dùng băng ép trực tiếp tại vết cắn, sau đó băng dần lên tận gốc chi; Chi trên thì băng lên tới nách còn chi dưới thì băng tới bẹn; Đối với những vết thương ở ngực, bụng thì dùng băng ép trực tiếp lên vết thương, nhưng không quá chặt để không cản trở sự hô hấp của nạn nhân”, bác sĩ Ngô Thị Phương Thảo cho biết./.