Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả về bom mìn để lại trên mảnh đất Quảng Trị là khá lớn. Biết bao tai nạn thương tâm do bom mìn đã để lại nỗi đau mất mát cho nhiều gia đình. Thời gian qua, các tổ chức rà phá bom mìn đã tập trung triển khai rà phá bom mìn ở những địa điểm dân cư tập trung sinh sống và canh tác, giúp bà con yên tâm sản xuất.
Cách đây hơn 1 tháng, một vụ nổ lớn xảy ra tại điểm thu mua phế liệu của gia đình bà Bùi Thị Bình ở thôn 9, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Trong khi đang phân loại để vận chuyển phế liệu lên xe ô tô thì một đầu đạn trong bao sắt vụn bất ngờ phát nổ, làm 5 người bị thương. Trong đó, 2 người bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Trung ương Huế.
Những năm qua, việc bom mìn sót lại sau chiến tranh phát nổ gây nhiều mất mát cho người dân. Nhiều người đang lao động sản xuất hay dọn mặt bằng xây dựng nhà cửa cũng bị vướng phải bom mìn. Từ năm 1999 đến nay, Nhóm Cố vấn bom mìn - MAG đã phối hợp với các địa phương làm sạch hơn 6,1 triệu m2 đất trả lại vùng đất không còn bom mìn cho người dân tỉnh Quảng Trị. Đơn vị đã phát hiện và xử lí hơn 133.000 vật liệu nổ, 2.500 quả mìn còn sót lại sau chiến tranh.
Ông Lê Văn Trà, Điều phối viên hoạt động kỹ thuật Nhóm cố vấn bom mìn MAG cho biết: Đến nay, hơn 1,5 triệu lượt người được hưởng lợi từ chương trình này. Chúng tôi muốn khuyến cáo cho người dân khi phát hiện có bom mìn hãy báo cho chúng tôi qua số điện thoại 18001742.
Dù gặp nhiều khó khăn như dân cư tập trung, việc phong tỏa khu vực xử lí bom mìn bị hạn chế có thể ảnh hưởng trực tiếp đến người dân nhưng việc đảm bảo an toàn cho người dân luôn được MAG quan tâm. Chình vì vậy, trong quá trình xử lý vật liệu nổ, bom mìn thì khâu thẩm định thông tin, xử lý thông tin luôn nhận được sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, người dân địa phương và các lực lượng chức năng.
Thiếu tá Nguyễn Võ Thành, Trợ lý công binh Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị cho biết: Qua dự án MAG, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đánh giá cao về kỹ thuật phương tiện, làm việc đúng quy trình. Giữa các cơ quan, ban, ngành như quân đội, địa phương và dự án phối hợp rất nhịp nhàng, đảm bảo an toàn cho người lao động và người dân.
Hiện nay, tai nạn, thương tích do bom mìn, vật liệu nổ đối với người dân, đặc biệt là trẻ em vẫn diễn ra hằng giờ, hằng ngày, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của người dân. Vì vậy, người dân trong khu vực có bom mìn cần chú ý đề phòng và nâng cao kỹ năng xử lí vật liệu nổ để bảo vệ cuộc sống cho mình và mọi người xung quanh./.