“Không chủ quan trong bất cứ tình huống nào để ứng phó bão có tên gọi quốc tế Hagupit”. Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp khẩn Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương bàn giải pháp ứng phó siêu bão diễn ra vào cuối giờ chiều 6/12. Dự báo đêm 8 và ngày 9/12, bão sẽ vào Biển Đông trở thành cơn bão số 5 mà Việt Nam đón nhận trong năm nay.
Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, đây là cơn bão có diễn biến rất phức tạp, các trung tâm dự báo khu vực và quốc tế đều cho ra những kết quả, phương án khác nhau. Khi bão di chuyển đến khoảng giữa Biển Đông, sẽ có 3 khả năng xảy ra. Khả năng thứ nhất là bão tiếp tục duy trì hướng Tây và đi vào vùng biển Nam Trung Bộ (Phú Yên – Bình Thuận) trong khoảng ngày 11 đến 12, với cường độ bão cấp 8 hoặc yếu hơn, kết hợp với không khí lạnh sẽ gây mưa to đến rất to cho khu vực Nam Trung Bộ từ 300 đến 400mm.
Khả năng thứ 2 là bão di chuyển đến ven biển Nam Trung Bộ, sau đó đi vào khu vực Nam Bộ dưới dạng áp thấp nhiệt đới hoặc vùng áp thấp trong khoảng ngày 12 đến 13, kết hợp với không khí lạnh, bão sẽ gây mưa to cho khu vực Nam Trung Bộ từ 200 đến 300mm, và Nam Bộ từ 50 đến 100mm. Khả năng thứ 3 là bão di chuyển gần kinh tuyến 110 và suy yếu, tan trên biển hoặc đi sâu về phía Nam, không ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Hiện tại, các đài dự báo khí tượng quốc tế và Nhật Bản vẫn duy trì tần suất 10 phút phát ảnh vệ tinh một lần chia sẻ thông tin quan trắc vệ tinh cơn bão, trong khi điều kiện thông thường là 30 phút/lần.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương Cao Đức Phát đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát sóng thông tin diễn biến của bão để người dân chủ động phòng tránh, nhất là công tác và giải pháp ứng phó siêu bão mà Philippines đang triển khai. Đồng thời yêu cầu các địa phương khẩn trương kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển ra khỏi vùng nguy hiểm, nhất là 302 tàu thuyền với khoảng 4.000 lao động đang hoạt động ở khu vực giữa và Nam Biển Đông bao gồm quần đảo Trường Sa.
Các địa phương phối hợp cùng lực lượng bộ đội biên phòng, cơ quan thủy sản thông báo cho ngư dân và tàu thuyền hoạt động ở Vỹ tuyến từ 10 đến Vỹ tuyến 17 phải di chuyển về phía Tây của Kinh tuyến 115, tức là về phía bờ của Việt Nam trước 17h chiều 8/12.
Trước nhận định bão còn diễn biến rất phức tạp, khó lường, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị nâng cấp ứng phó lên phương án cao nhất: phòng chống siêu bão. Ngoài kêu gọi thông báo ngư dân tránh bão, các Bộ, ngành, địa phương phải kiểm tra, rà soát toàn bộ quy trình vận hành các công trình hồ chứa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các địa phương cần sẵn sàng phương án sơ tán dân những khu vực nguy hiểm về lũ ống, lũ quét sạt lở đất, vùng hạ du các hồ chứa có khả năng xả lũ khi tình huống xấu xảy ra. Các địa phương tổ chức trực ban phòng chống lụt bão suốt ngày đêm; tăng cường công tác tuyên truyền, cập nhật thông tin về siêu bão để triển khai các phương án phòng chống.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: Cơn bão vẫn là cấp 15, giật cấp 17 đối với Philippines đây là siêu bão. Chúng ta không được chủ quan bởi vì theo dự báo nó sẽ đi theo hướng Tây và sẽ vào Biển Đông khi đó vẫn ở cấp 13 giật cấp 15. Theo dự báo diễn biến của bão phức tạp phải tiếp tục theo dõi mặc dù đài dự báo khí tượng quốc tế bắt đầu chụm dần các hướng dự báo nhưng trong điều kiện hiện nay không cho phép chúng ta chủ quan. Tinh thần chuẩn bị phải là tinh thần ứng phó với siêu bão.
Tính đến chiều 6/12, lực lượng biên phòng các tỉnh thành phố tuyến biển từ Đà Nẵng đến Kiên Giang phối hợp với địa phương, gia đình các chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm 40.000 phương tiện, với gần 170.000 người biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh./.