Thời gian gần đây, tai nạn giao thông đường sắt liên tục xảy ra trên địa bàn Bình Thuận, chủ yếu tại các vị trí giao cắt với đường dân sinh. Điều này dấy lên hồi chuông báo động về an toàn giao thông đường sắt, trong đó ý thức chấp hành của người tham gia giao thông là vấn đề đáng suy nghĩ.

duong_sat_1_oifs.jpgChỉ cần sơ suất là có thể gây tai nạn.

Tuyến đường sắt đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận khá dài với gần 180 km. Trên dọc tuyến có rất nhiều vị trí giao cắt với đường bộ. Ngoại trừ một vài điểm ở gần khu vực đông dân cư có rào chắn ngang mỗi lúc tàu qua, còn lại, người dân phải tự quan sát nhìn tàu trước khi băng qua đường. Cho nên, chỉ cần một chút sơ suất, thiếu quan sát người đi đường có thể bị tai nạn do va chạm với đoàn tàu đang di chuyển.

Hầu hết các vụ tai nạn đường sắt gần đây đều do người điều khiển phương tiện thiếu quan sát khi băng qua đường sắt.

Ông Nguyễn Trung Dũng hằng ngày thường xuyên qua lại bằng xe gắn máy qua vị trí giao cắt với đường sắt tại km 1556+800, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam nói: “Trước khi muốn qua đoạn đường sắt là mình phải quan sát trên dưới trước khi mình qua. Hoặc là nghe tiếng còi tàu mình phải tạm dừng lại để tránh tai nạn đáng tiếc”.

Tuy nhiên, đã có không ít trường hợp đã để xảy ra tai nạn đáng tiếc. Gần đây nhất là vụ tai nạn xảy ra vào ngày 15/5 tại km 1556+800 trên đường sắt Bắc Nam thuộc xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam. Tài xế xe ben Nguyễn Thành Đông (31 tuổi, trú tại xã Hàm Thạnh) tử vong trên đường đi cấp cứu. Nguyên nhân được xác định do tài xế xe ben thiếu quan sát đã đâm ngang vào tàu SPT2 đang di chuyển.

Trước đó 2 tuần, vào ngày 30/4 tại km 07+450 trên nhánh đường sắt Mương Mán – Phan Thiết, xe mô tô mang biển kiểm soát 86H9-7181 do ông Võ Văn Hường (46 tuổi, trú tại xã Hàm Thắng, huyện Hàm Thuận Bắc) điều khiển, vì thiếu quan sát cũng đã tông vào tàu SPT3 chạy hướng Phan Thiết – Sài Gòn, làm ông Hường chết tại chỗ.

Hiện trường vụ tai nạn đường sắt xảy ra vào ngày 15.05 trên địa bàn xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Bình Thuận đã xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm 4 người chết và 4 người bị thương, tăng đột biến so với năm trước.

Là người trực tiếp phối hợp với các ngành chức năng tỉnh Bình Thuận xử lý nhiều vụ tai nạn đường sắt xảy ra trong năm, ông Lê Đỗ Thiện Tài, Đội trưởng Đội quản lý đường sắt Bình Thuận cho biết:”Vì tất cả các đường ngang giao cắt quy định đã đầy đủ các biển báo hiệu, các biển cảnh báo quan sát trước khi qua đường, các điểm giao cắt, mà phần lớn ý thức của những người tham gia giao thông hiện nay, người ta không quan tâm điều đó. Theo quán tính là họ cứ chạy, vì vậy không thể phát hiện đoàn tàu đang tới và gây ra những va chạm đáng tiếc”.

Hầu hết tại các vị trí giao cắt với đường dân sinh đều có có đặt biển báo chú ý quan sát

Theo Ban An toàn Giao thông tỉnh Bình Thuận, hầu hết các vụ tai nạn đường sắt xảy ra trên địa bàn đều do lỗi của người điều khiển phương tiện băng qua đường sắt. Những năm qua, Ban An toàn giao thông tỉnh đã phối hợp với ngành đường sắt lắp đặt các biển báo trên các vị trí có đường dân sinh đi qua để cảnh báo nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thiếu ý thức chấp hành, từ đó gây ra những vụ tai nạn đáng tiếc như vừa qua. Tới đây, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân đối với an toàn giao thông đường sắt sẽ được tăng cường nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn.

Cần quan sát kỹ khi băng qua đường sắt.

Ông Huỳnh Ngọc Thanh, Chánh Văn phòng Thường trực Ban An toàn Giao thông tỉnh Bình Thuận cho biết: “Trong tháng 6 tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các ban ngành có liên quan để tiếp tục tuyên truyền, phổ biến những quy định về hành lang an toàn đường sắt cho các em học sinh, cũng như người dân sống dọc đường sắt biết đảm bảo an toàn đường sắt và có biện pháp phòng tránh”.

“Thà chậm một giây còn hơn gây tai nạn” – câu khẩu hiệu ấy rất quen thuộc với mọi người. Để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, người tham gia giao thông cần “Quan sát tuân thủ đúng quy định an toàn khi vượt qua đường sắt”/.