Từ 15/7 – 30/7, câu lạc bộ tình nguyện Hope đã tổ chức thành công chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh 2013.

Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh 2013 của câu lạc bộ Hope đã đưa gần 100 chiến sĩ tình nguyện trực thuộc câu lạc bộ và đoàn thanh niên địa phương về 6 bản đặc biệt khó khăn tại vùng cao xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Tại đây, các bạn trẻ đã làm được nhiều việc có ý nghĩa cho người dân, cụ thể: tuyên truyền vận động bà con sinh hoạt theo nếp sống văn minh, kế hoạch hóa gia đình; làm hố rác, nhà vệ sinh; xây dựng lớp học; tổ chức các buổi vui chơi cho trẻ em; cấp phát thuốc và khám chữa bệnh miễn phí…

hai%20tinh%20nguyen%20vien%20kham%20benh%20mien%20phi%20cho%20ba%20con.jpg
Hai tình nguyện viên khám bệnh miễn phí cho bà con

Bạn Trần Trung Khải (Học viện kĩ thuật Quân sự), trưởng ban chiến dịch, chia sẻ mỗi ngày các bạn chiến sĩ mùa hè xanh dậy từ lúc 4 giờ sáng, đi bộ hết từ 6 tiếng đến 4 tiếng để vào tận các bản. Tiếp đó, các bạn ở cùng với dân bản khoảng từ 2-4 ngày và giúp đỡ họ.

Có những lúc phải leo dốc rất cao, mưa gió dầm dề, đường trơn, nhiều bạn bị trượt chân vấp ngã. Hầu hết mọi thành viên trong đoàn đều từng bị sốt rét hoặc cảm cúm vì thời tiết khắc nghiệt ở đây. Nhưng chính những lúc khó khăn như vậy, tinh thần dũng cảm, sự kiên cường của các chiến sĩ tình nguyện mới trở nên thật đáng quý.

Theo lời kể của Khải, có lần khi đoàn vào bản mang thiếu gạo và đồ ăn khô, các bạn đã phải ăn cơm độn sắn, thức ăn thì kiếm thêm măng rừng, rau sắn, thậm chí sáng tạo thêm món ăn như lá lốt cuốn mì tôm.

Càng thiếu thốn, tinh thần quyết tâm lại càng dâng cao. Những câu chuyện, kỉ niệm nơi đây không giờ phai trong lòng các bạn trẻ. Thậm chí, trong câu chuyện ấy có khi chính là một phần cơ thể các bạn.

Dù vất vả vẫn vui

Đấy là câu chuyện về chiến sĩ tình nguyện tên Kiều Nguyệt Anh (Học viện Tài chính). Trong một lần vận chuyển gỗ lên bản để dựng lớp học cho trẻ em, không may một viên đá lớn đè nghiến lên tay Ngọc Anh. Cả đoàn hốt hoảng ngay lập tức đưa Nguyệt Anh vào trạm xá cấp cứu. Kết quả đáng buồn là một ngón tay của Nguyệt Anh buộc lòng phải bị cắt bỏ. “Lúc ấy cả đoàn ai cũng lo lắng và rơm rớm nước mắt vì bạn ấy đã bị yếu đi rất nhiều. Thế nhưng, không ngờ bạn Nguyệt Anh lại rất tỉnh táo, trấn an cả đoàn rằng bạn không sao, cắt một ngón tay đi không phải là vấn đề gì to tát”- kể đến đây Khải trở nên nghẹn ngào.

Hay một câu chuyện khác về việc sinh viên tình nguyện cứu sản phụ bị thai chết lưu bên bờ suối. Đây là câu chuyện cảm động của câu lạc bộ Hope được báo chí đăng tải trong nhiều ngày qua. Người mẹ khi được phát hiện bị băng huyết, thai đã chết lưu. Nhận thấy tình huống vô cùng nguy cấp, bạn Nguyễn Thị Hồng Long (đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh), một tình nguyện viên của đội, đã cùng các bạn đỡ đẻ trong nước mắt.

Áp lực quá lớn đè nặng lên cô sinh viên vì nếu không cầm được máu, người phụ nữ sẽ chết. Sức khỏe người mẹ lại quá yếu nên không thể chở bằng xe máy ra bản ngoài. Quanh khu vực này cũng không có trạm y tế, muốn cấp cứu phải đi đường rừng mất một ngày. Vận dụng tất cả kiến thức được học, Long đã cố gắng cầm máu và sơ cứu cho sản phụ.

Những lúc khó khăn quá, cũng có lần các chiến sĩ tình nguyện muốn bỏ cuộc trở về. Nhưng rồi vì thương anh em trong đoàn càng vất vả khi thiếu người, thêm vào đó tình cảm gắn bó lâu ngày với bà con nơi đây, những chiến sĩ tình nguyện lại đứng lên, tiếp tục công việc của mình.

Phút vui đùa của các bạn trẻ tình nguyện

Khải tâm sự: “Càng đi nhiều tôi mới biết còn nhiều người cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Bà con ở các bản vùng sâu, vùng xa thiếu thốn nhiều thứ và cuộc sống còn lắm hủ tục. Bởi thế, giúp đỡ bà con phải đi sâu vào nhận thức chứ không chỉ là ít đồ quyên góp, hay giúp đỡ họ dựng nhà… Tôi tự hứa với lòng mình nhất định sẽ còn quay trở lại đây nhiều lần nữa. Tôi không ngại khó khăn, gian khổ, chỉ mong đóng góp chút sức trẻ của bản thân cho đất nước”./.