Tại Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp, đã có 44 trường hợp nạn nhân bị rắn cắn trong năm nay được cấp cứu, điều trị, tăng 15 trường hợp so với năm ngoái. Riêng tháng 11 vừa qua có 11 trường hợp bị rắn cắn mà phần nhiều trong số đó được xác định là do rắn lục đuôi đỏ cắn.

Ghi nhận bước đầu tại Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp cho thấy, phần lớn các trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn sinh sống ở khu vực nông thôn hoặc ở những nơi xung quanh có đất để hoang, cây cỏ mọc um tùm.

ran_dzmw.jpg 
Lấy nọc rắn lục để tạo ra chất kháng nọc độc, điều trị bệnh cứu người

Bác sĩ Trần Tấn Hiếu, Khoa Cấp cứu tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp cho biết, nạn nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn cần nhanh chóng được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, đối với việc sơ cứu các trường hợp bị rắn lục đuôi đỏ cắn cần lưu ý tránh gây tổn thương nghiêm trọng hơn. Trong đó, để sơ cứu, trước mắt cần động viên và trấn an người bệnh đỡ lo lắng, hốt hoảng, không để họ tự đi lại. Bên cạnh đó, theo phản ứng, người dân sẽ dùng biện pháp băng, ép vết bị cắn nhưng trong trường hợp xác định rắn lục cắn thì không bên băng ép vì điều này có thể gây ra chảy máu nhiều hơn về sau.

“Phải làm sao để người bị rắn lục cắn giữ bình tĩnh. Nếu bị cắn vào tay thì có thể nẹp thanh gỗ lên tay để tránh việc tay di chuyển nhiều, nọc độc khuyếch tán nhanh hơn. Khi đến cơ sở y tế gần nhất, nhân viên y tế sẽ tập trung giảm đau, truyền dịch và chuyển đến bệnh viện có huyết thanh kháng nọc rắn. Hiện ở Bệnh viện Đồng Tháp có loại huyết thanh này”, bác sĩ Trần Tấn Hiếu cho biết thêm./.