Phòng khám Nhi - BV Xanh Pôn vừa tiếp nhận cấp cứu một bé trai 20 tháng tuổi trong tình trạng nguy kịch chỉ vì uống oresol sai nồng độ- An ninh Thủ đô cho biết.
Các bác sĩ cảnh báo, khi dùng thuốc cho trẻ nhỏ phải hết sức chú ý, bởi ngay cả những thuốc lành tính nhất hay thuốc người lớn dùng được song với trẻ có thể gây biến chứng nguy kịch.
Một bệnh nhi vào cấp cứu tại BV Xanh Pôn cuối tuần qua trong tình trạng sốt, co giật, vật vã kích thích. Theo các bác sĩ của phòng khám Nhi – BV Xanh Pôn, qua khám và hỏi bệnh sử, bác sĩ phát hiện cháu bé bị tiêu chảy và được mẹ cho uống oresol nhưng pha sai nồng độ. Lý do này khá phổ biến bởi oresol có vị khó uống nên nhiều bà mẹ hay “sáng tạo” bằng cách pha thuốc lẫn với nước đường hoặc pha đặc để dỗ trẻ uống cho nhanh… Trong khi đó, nếu pha oresol đặc hơn so với khuyến cáo, khi trẻ uống khá nguy hiểm vì khiến hàm lượng muối trong máu tăng lên, gây tình trạng ưu trương (quá nhiều muối trong máu), áp lực thẩm thấu trong máu cao hơn bình thường. Thậm chí, nếu liên tục pha oserol với nồng độ rất đặc cho trẻ uống có thể gây biến chứng “teo não”, rất dễ bị tử vong.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khám cho bệnh nhi (Ảnh: An ninh Thủ đô) |
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, loại thuốc đang bị lạm dụng nhiều nhất hiện nay là kháng sinh. Nhiều người cứ nghĩ con ho, có đờm đặc, ho lâu ngày... là những biểu hiện cần phải dùng kháng sinh. Tuy nhiên, thực chất, uống kháng sinh nhiều làm trẻ kém ăn, chán ăn, có thể dẫn đến tiêu chảy, sức đề kháng của trẻ kém đi nhiều, làm bệnh lâu khỏi. Hơn nữa, kháng sinh có tác dụng với vi khuẩn nhưng hoàn toàn vô dụng với virus. Trong các thuốc kháng sinh được dùng để điều trị hạ sốt, cảm cúm, giảm đau cho trẻ nhỏ, phổ biến nhất là các loại chế phẩm chứa hoạt chất paracetamol và trên thực tế hầu hết trẻ có triệu chứng sốt cao khi nhập viện đều đã sử dụng thuốc này trước đó.
Về bản chất, paracetamol khá an toàn và được dung nạp tốt khi dùng ở liều thông thường, tuy nhiên khi dùng ở liều cao thì thuốc này có thể gây nhiễm độc tại gan, nặng hơn gây tử vong do ngộ độc cấp hoặc ngộ độc mãn kéo dài. Điều đáng chú ý là các thuốc chứa paracetamol ở trẻ em được bào chế với nhiều loại hàm lượng khác nhau, điều này có thể gây nhầm lẫn dẫn đến dùng quá liều nếu các bậc cha mẹ chủ quan không xem kỹ hướng dẫn sử dụng. Bên cạnh đó, rất nhiều người bệnh không phân biệt và tính toán được tổng liều tối đa hằng ngày của paracetamol dựa trên các thông tin ghi trên lọ thuốc hoặc đơn thuốc…
Ông Dũng nhấn mạnh, chuyển hóa thuốc của người lớn và trẻ em khác nhau, đặc biệt là những thuốc thấm được vào não thì phải rất chú ý khi dùng cho trẻ. Thực tế có những thuốc người lớn dùng liều lượng thấp nhưng với trẻ thì phải dùng liều cao hơn người lớn rất nhiều. Tuy nhiến các loại thuốc này chỉ chiếm tỷ lệ thấp. Vì vậy, khi dùng thuốc, các bậc cha mẹ cần hết sức chú ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của thuốc, pha thuốc theo đúng nồng độ mà bác sĩ hướng dẫn, tốt nhất ở trẻ nhỏ không nên pha thuốc với nồng độ đậm đặc hơn hướng dẫn./.