Không ít bệnh nhân phải nhập viện vì bị ngộ độc khí CO2 do sưởi ấm bằng bếp than tổ ong.

Đêm 7/1, vợ chồng bà Lê Thị Thanh (61 tuổi) và ông Nguyễn Văn Ngộ (65 tuổi) trú tại khối 4 phường Hà Huy Tập, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đốt than tổ ong trong phòng để sưởi ấm và bị ngộ độc phải đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Nghệ An. Đến nay, sau 4 ngày điều trị, ông Nguyễn Văn Ngộ mới tỉnh lại, tuy nhiên vẫn phải thở bằng ôxy liều cao và truyền đạm. Còn bà Lê Thị Thanh vẫn bị hôn mê sâu và chưa tỉnh.

Trường hợp của ông Nguyễn Văn Ngộ và bà Lê Thị Thanh ở Nghệ An chỉ là hai trong số rất nhiều người bị ngộ độc khí CO2 do dùng than tổ ong để sưởi ấm trong những ngày thời tiết giá rét vừa qua tại các bệnh viện trong cả nước. Tại Lạng Sơn, ông Nguyễn Sơn Hiếu, Phó phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế tỉnh cho biết cũng đã có những trường hợp ngộ độc phải nhập viện do ngộ độc khí CO2. Các bác sĩ cho biết, việc dùng than tổ ong để sưởi ấm trong thời tiết giá lạnh là yếu tố có nguy cơ cao làm cho trẻ nhỏ và người già xuất hiện cơn hen phế quản, suy tim mạch, còn nặng hơn là dẫn đến tình trạng ngộ độc khí, hôn mê sâu, nếu tỉnh thì cũng để lại di chứng là mất trí nhớ. Nhiều bệnh nhân nhập viện không chỉ bị ngộ độc than tổ ong, mà còn bị ngộ độc do  sử dụng các thiết bị sưởi bằng điện. Vì vậy, người dân cần hết sức cẩn thận khi sử dụng các thiết bị sưởi ấm trong mùa lạnh.

Bác sĩ Nguyễn Sơn Hiếu, Phó phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Lạng Sơn khuyến cáo: “Việc dùng lò sưởi điện, than hoa thì nên sử dụng theo khuyến cáo của cơ quan chức năng. Khi sử dụng khoảng 1 tiếng thì tắt đi, khi nhiệt độ hạ thấp mới bật lên. Kể cả lò sưởi điện, bếp than tổ ong và than hoa, đối với nhà khép kín thì không nên dùng, nếu dùng phải có chỗ thông khí, tránh nguy hiểm”.

Trước tình hình thời tiết lạnh kéo dài, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế vừa có công văn gửi giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố; giám đốc các bệnh viện, viện có giường bệnh về việc tăng cường phòng, chống rét cho người bệnh. Cục Quản lý Khám chữa bệnh yêu cầu các đơn vị tuyên truyền cho nhân dân về phòng, chống rét, nhất là người già và trẻ em. Các đơn vi y tế cảnh báo nhân dân về các tai nạn trong quá trình sưởi ấm như ngộ độc khí CO2 do sưởi ấm bằng than tổ ong trong nhà kín; bỏng lửa; trẻ bị ngạt vì mặc quá nhiều quần áo ấm. Đồng thời, bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết rét lạnh gây ra các bệnh: tim mạch, tăng huyết áp; đột quỵ; viêm đường hô hấp cấp.../.