Viện Dinh dưỡng Quốc gia vừa công bố số liệu điều tra khẩu phần ăn của trẻ từ 24-36 tháng tuổi ở các phường thuộc 4 quận nội thành Hà Nội, gồm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng. Kết quả cho thấy, 12 loại thực phẩm như: gạo, thịt lợn, rau muống… có tỷ lệ nhiễm chì và asen rất cao.

Theo kết quả xét nghiệm 12 mẫu thực phẩm cho thấy, nhóm thực phẩm ăn hàng ngày bị nhiễm chì cao nhất là ở gạo, thịt lợn, rau muống, tôm dảo, cam, quýt... Thực phẩm vượt quá quy định của Bộ Y tế về cadimin (kim loại gồm sulfua lẫn với carbonat kẽm) nhiều nhất cũng có ở gạo, thịt lợn, thịt bò. Cadimin cũng xuất hiện tại các thực phẩm khác như trứng gà.

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, lượng cadimin trong gạo chiếm tới 358%, trong sữa bột là 31% và trong cam là 15,6% lượng tối đa cho phép ăn vào hàng ngày của trẻ dưới hai tuổi (cân nặng trung bình 13kg). Còn trong thịt lợn đã lên tới 177,5%, thịt bò là 60,58%, tôm rảo là 35,73% và thịt gà là 6,84% so với lượng tối đa cho phép ăn hàng tuần của trẻ.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lộc, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, ở trẻ em, chỉ cần sau một thời gian bị nhiễm chì ở nồng độ chì trong máu là 6mg/dl, quá trình chuyển hoá của tế bào não sẽ bị cản trở dẫn đến não trẻ phát triển ở mức thấp, không đạt mức chuẩn về chỉ số thông minh, gây khó khăn cho trẻ trong học tập, tư duy. Tuy nhiên, những biểu hiện này không xuất hiện ngay khi lúc nhỏ mà tạo tiền đề cho giai đoạn trưởng thành sau này.

Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc cũng cho biết, trẻ em dễ bị ngộ độc chì hơn người lớn vì có khả năng hấp thu và nhạy cảm với chì cao hơn. Do xương trẻ kém đậm đặc nên chỉ khoảng 64% tổng lượng chì được dự trữ trong xương, hậu quả để lại một lượng cao đáng kể chì trong máu, não và thận.

Theo các bác sĩ, cần thay đổi chế độ ăn nhằm bổ sung thêm các chất sắt và kẽm để ngăn chặn tình trạng hấp thu chì. Muốn đào thải chì ra khỏi cơ thể cần sử dụng thuốc D.penicillamine và DMSA qua đường uống. Dùng thêm calcium và vitamin D để làm tăng lắng đọng chì trong xương. Tuy nhiên, phải được bác sĩ tư vấn trước khi sử dụng thuốc./.