Trong phòng tắm có 3 vị trí - thiết bị - chức năng quan trọng nhất là: chậu rửa, xí và tắm. Một phòng tắm hoàn chỉnh nhất thiết phải có đủ 3 chức năng này. Gương trong phòng tắm là một phụ kiện có vẻ như là phụ kiện thêm thắt, trang trí song thực tế là bất cứ phòng tắm nào cũng cần phải có gương. Tất nhiên ở đây ta chỉ nói những phòng tắm hoàn chỉnh, không đề cập tới những phòng vệ sinh quá nhỏ, hay chỉ mang tính tạm thời.

Phòng tắm đẹp nhờ gương

Gương được xếp vào nhóm phụ kiện, đi cùng với giá để đồ tắm, giá treo khăn, mắc quần áo, lô giấy vệ sinh… trong phòng tắm, chứ không được đứng ngang hàng với các thiết bị vệ sinh như chậu rửa, bồn cầu, vòi sen, bồn tắm… Tuy vậy những phụ kiện kia có thể có hoặc không, tùy tình hình thực tế, và nhu cầu đầu tư cho tiện nghi sử dụng; còn gương thì không thể thiếu. Gương là một thành phần quan trọng của phòng tắm.

Tất nhiên, gương lắp trong phòng tắm là để soi. Đó là công năng đầu tiên và tối thượng của nó. Soi gương trong nhà vệ sinh là một nhu cầu cần thiết khi làm các công việc vệ sinh (rửa mặt, tắm), hay chăm sóc, trang điểm cho mặt, tóc hay cơ thể.

Bên cạnh công năng đó, gương còn có tác dụng làm tăng giá trị thẩm mỹ cho phòng tắm, làm phòng tắm đẹp hơn, sang hơn. Gương có tác dụng phản quang ánh sáng, làm tăng hệ số chiếu sáng cho phòng tắm; gương cũng có tác dụng “mở rộng” không gian của phòng tắm (vốn dĩ không lớn) bằng việc phản chiếu hình ảnh.. Nếu như chỉ để soi (mặt chẳng hạn) thì có thể một tấm guơng to hay nhỏ đều có tác dụng như nhau, gương có khung hay không, hình thù thế nào cũng không quan trọng. Nhưng khi gương đã là một thành phần có ý nghĩa để làm cho phòng tắm đẹp hơn; thì việc lắp đặt gương cần phải có tính toán trong thiết kế. Nói một cách khác, phòng tắm đẹp cũng nhờ gương; và muốn đẹp nhờ gương thì… không phải cứ treo gương vào là xong!

Đôi điều lưu ý khi lắp đặt gương trong phòng tắm

- Vị trí: Gương luôn được treo phía trên chậu rửa, dù là kiểu chậu treo, chậu có chân áp tường hay chậu đặt trên bàn đá. Thông thường, với những cỡ gương nhỏ, sản xuất và bán sẵn thì sẽ được treo thẳng tim của chậu. Cần lưu ý đỉnh gương (mép trên gương) có cao độ tối thiểu 1m60; để có thể soi được đủ mặt/ đầu trong tư thế đứng bình thường của người bình thường (có tính tới khoảng cách từ vị trí đứng tới gương qua chậu/ bàn chậu)

- Kích thước: Không có một tiêu chuẩn cụ thể, tuy nhiên gương trong phòng tắm phải đủ rộng để soi được toàn bộ khuôn mặt và một phần ngực ở khoảng cách đứng gần chậu. Những gương bán sẵn trên thị trường thường có kích thước nhỏ và vừa phải. Ngoài ra, có thể đặt gương gia công theo kích thước tùy ý. Thông thường gương hay được đặt rộng bằng phần bàn đá phía dưới, chiều cao lấy theo một chuẩn nào đó; có thể sát trần, bằng mép cửa sổ, bằng viên ốp diềm trang trí; hay bằng cao độ của vách kính tắm đứng (1m9~2m), và vẫn phải đảm bảo độ cao tối thiểu để tránh… cúi người khi soi gương.

Không nên sử dụng gương tấm liền có kích thước lớn quá vì với độ dày kính tráng gương thông thường (5mm-6mm), gương dễ không phẳng bề mặt, gây ra hiện tượng méo hình. Còn nếu sử dụng kính dày hơn để tráng gương thì rất nặng, và… đắt. Bên cạnh đó gương có kích thước quá lớn cũng không thuận tiện cho vận chuyển, lắp đặt.

Nên định hình trước kích thước gương ngay từ ban đầu, giới hạn phạm vi của mép gương để chủ động trong các hạng mục khác, tránh phạm vào chỗ của gương. Rất nhiều trường hợp thợ điện đi mặt hạt (cho công tắc đèn gương, ổ cắm máy sấy tóc, dao cạo râu) phía trên bàn chậu, chếch sang một phía vì nghĩ rằng gương chỉ “be bé” ở giữa (và chủ nhà cũng nghĩ vậy). Nhưng đến khi nhận thấy rằng gương to hết bàn chậu mới đẹp thì… gương đè lên công tắc. Sửa chữa rất tốn công và khó khăn.

- Định vị: Treo gương lên tường (với các loại gương không khung) nên dùng các phụ kiện kim khí (ngàm, móc, kẹp) khoan cố định vào tường rồi kẹp gương lên. Không nên sử dụng keo dán lưng gương. Vì nhiều trường hợp trong môi trường ẩm uớt, nóng của phòng tắm, keo bị tác động, lão hóa, ảnh hưởng trực tiếp tới lớp tráng phía sau, làm cho gương bị mốc. Khi treo gương, nhất là gương có kích thước lớn; phải kiểm tra “độ đứng” của gương, tức là phải đảm bảo gương vuông góc với mặt đất, để tránh cảm giác “đổ” người khi soi gương.

- Kiểu dáng và quy cách: Đây là sự sáng tạo của người thiết kế để cho gương đẹp, phòng tắm đẹp, tất nhiên vẫn phải đảm bảo các yếu tố công năng và kỹ thuật. Thông thường gương (được coi là phụ kiện) hay được các chủ nhà tự mua, điều đó cũng dễ hiểu. Tuy nhiên, chủ nhà nếu tự mua gương cần sự tư vấn của người thiết kế hay căn cứ vào chỉ định về gương trong các bản vẽ chi tiết phòng vệ sinh. Gương có thể có khung, có thể không khung; rộng và cao tới đâu đều phải căn cứ vào các yếu tố khác trong phòng vệ sinh như vị trí tương quan của các thiết bị, chiều dài bàn đá; kiểu dáng bàn chậu rửa, phong cách nội thất chung, chủng loại vật liệu ốp lát…

- Đèn rọi: Gương nhất thiết phải có đèn rọi để tăng cường chiếu sáng khi thực hiện vệ sinh ở chậu rửa, hay khi chăm sóc mặt, trang điểm. Đèn gương nên sử dụng bóng sợi đốt (tốt nhất là bóng halogen) để cho ánh sáng thật. Đèn gương có thể đặt trên đỉnh gương (cách mép trên gương 5-10cm), hoặc trên trần (nếu trần phòng tằm không cao quá), chiếu chếch về phía gương. Đèn gương có thể là đèn đơn, đôi, ba… tùy theo ý đồ thiết kế và chiều rộng của gương.

- Trong trường hợp phòng tắm kế liền phòng ngủ (phòng tắm riêng) thì gương không được chiếu vào giường ngủ. Điều này phải tính toán từ khi thiết kế mặt bằng kiến trúc, nội thất (vị trí - hướng kê của giường cũng như vị trí - hướng của chậu rửa trong phòng tắm)

- Mẹo nhỏ khi thi công phòng tắm liên quan đến gương: Gương thường được lắp đặt sau cùng, cùng các phụ kiện khác trong phòng tắm, khi đã hoàn thiện việc ốp lát, lắp đặt thiết bị vệ sinh. Điều đó có nghĩa là gương được treo đè lên gạch ốp. Nói chung không ai chừa lại chỗ treo gương mà không ốp gạch (với những phòng vệ sinh thông thường được ốp lát). Vậy nên trong quá trình ốp lát, nên ốp khu vực gương sau cùng, để trong trường hợp bất đắc dĩ gạch thiếu, viên lỗi, chắp vá… thì những chỗ xấu này sẽ được gương che đi./.