Người Sán Chí là một trong hai nhóm địa phương của dân tộc Sán Chay, thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái trong hệ ngôn ngữ Thái Ka Đai ở Việt Nam.

Bán đầu rể… là coi như mất họ

san-chi-4-trong.jpg
Trò đẩy gậy trong lễ hội xuân của người Sán Chí ở Bắc Giang (Ảnh: Hoàng Minh)

Tục mua đầu, bán đầu rể của người Sán Chí chỉ diễn ra khi làm đám cưới. Nhưng không phải cứ muốn là được. Ông Lâm Văn Đông ở xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang giải thích ngọn ngành: Dân tộc Sán Chí chỉ mua đầu rể khi nhà gái có điều kiện, lại không có con trai nối dõi. Còn người bán là ai? Thường là trai nhà nghèo, gia đình lại đông con trai. Và chỉ khi cả hai đã thật sự đồng thuận, việc mua bán mới được tiến hành. Lúc ấy, nhà gái phải lo mọi phí tổn cho đám cưới, thậm chí việc thách cưới cũng được chuyển sang cho nhà rể bán đầu. Và lễ vật thách cưới mà họ đưa ra cũng không phải là nhỏ. Ông Đông dí dỏm: “Phải mất tiền to! Tạ rưỡi thịt đấy. Rượu hơn trăm lít, một thúng gạo nếp, một thúng gạo tẻ. Nhà gái mang tất cả lễ cho nhà trai hết, chẳng khác gì mình đi hỏi nhà gái”.

Và một khi đã bán đầu rể, người con trai phải sang ở nhà vợ, phải đổi họ sang họ vợ. Thế là mất luôn họ - ông Lâm Minh Sập ở xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn thở dài... Ông Sập còn bảo, ở tuổi ngũ tuần, ông từng chứng kiến nhiều đám cưới phải chuyển họ, đổi bàn thờ, nhưng vì yêu nhau họ cũng một lòng, một dạ đến với nhau. “Giả dụ chàng trai họ Linh, bán cho cô gái họ Lâm, họ của chàng trai sẽ nhập vào họ của người mua đầu và thờ họ này. Còn họ bên nhà trai bán đầu rồi thì không phải thờ nữa, chỉ có nghĩa vụ tình cảm với nhà đẻ thôi. Con cái lấy theo họ mẹ. Gọi là bán đầu, bán họ đấy. Ngày xưa, họ bảo bán đầu thường không đáng, nhưng mà chúng nó yêu nhau thì cũng nhất trí”.

Nếu nhà vợ có nhiều con rể, bố mẹ vợ sẽ lựa chọn lấy một người thích hợp nhất để thỏa thuận về bán đầu rể. Thông thường người Sán Chí sẽ chọn con rể cả hoặc út làm rể bán đầu. Dù phải chuyển họ là vậy, nhưng ông Sập bảo bù lại, người con rể sẽ được thừa kế tài sản bên vợ mình: “Về đấy, nhà gái có một người thì con rể bán đầu được hưởng tất. Nếu gia đình có mấy chị em gái thì khi ra ở riêng, vợ chồng rể bán đầu cũng được chia tài sản. Khi đã bán đầu rồi, các việc trong gia đình như kinh tế, lợn gà, cấy hái nam giới đều phải làm hết. Như đi làm dâu ấy”.

Ngày nay, tục mua đầu, bán đầu rể của người Sán Chí ở Bắc Giang không còn nữa. Dù họ vẫn còn lệ gia đình đông con gái lấy rể về nhưng người con trai vẫn được quyền giữ lại họ của mình. Con có thể theo họ cha hoặc họ mẹ, không như xưa họ mẹ dứt khoát phải được lấy làm họ của con. Xem ra sự dân chủ, bình đẳng đã dần thay thế một số tục lệ trong hôn nhân của người Sán Chí.

Không có ông mối... không thể mua bán đầu rể

Người Sán Chí đi trẩy hội (Ảnh: Hoàng Minh)

Trong hôn nhân, người Sán Chí rất coi trọng vai trò của người làm mối. Đôi trai gái có nên vợ, nên chồng, có sống êm ấm thuận hòa hay không là nhờ vào ông, bà mối. Ngay cả khi nhà gái muốn đánh tiếng lấy người con trai về làm rể, muốn họ bán đầu thì cũng phải nhờ đến ông, bà mối. Các nghi lễ của đám cưới, từ việc xem số, chọn ngày lành tháng tốt, đến dạm hỏi, thách cưới, hát đối đáp trên chặng đường đón dâu, đón rể… Tất cả đều phải có sự lo liệu của ông mối, bà mối.

Thậm chí, khi đã thành vợ, thành chồng, sinh con, đẻ cái, ông mối cũng vẫn là người gìn giữ sự yên ổn trong gia đình. Mỗi khi vợ chồng có bất hòa, người đứng ra làm nhiệm vụ hòa giải lại chính là ông, bà mối chứ không phải bố mẹ đẻ. Chính vì thế, cô dâu, chú rể khi chọn được người làm mối cũng là khi chọn thêm được một người bố, người mẹ cho mình. Kể từ đó, hai vợ chồng phải có trách nhiệm chăm sóc ông, bà mối khi họ về già, khi họ chết phải để tang và có nghĩa vụ như với cha mẹ đẻ của mình.

Ông Đông nói chắc như đinh đóng cột: “Phải có mối kể cả đi hỏi số, hỏi sách hợp mới được, bán đầu phải hợp con dâu đi hỏi. Hai đứa nhà trai, nhà gái phải hợp số mới được. Phải xem thầy, phải xem sổ sách ngày tháng năm sinh có hợp mới được nhờ thầy. Ông mối là ngang với cha mẹ, có đôi lúc bố mẹ không nói được thì phải nhờ đến ông mối để giải quyết mâu thuẫn, khúc mắc, và cứ mùng 2 Tết là ông mối phải có đôi gà thiến do con trai, con gái lễ”.

Chính vì ông mối quan trọng như vậy nên tiêu chuẩn để chọn mối cũng khá cao. Ai cũng có thể làm mối, miễn là họ am hiểu văn hóa, phong tục, giỏi chữ nghĩa, thơ ca. Đặc biệt, họ phải có gia đình hòa thuận, đủ trai, đủ gái, có kinh tế bền vững để lấy may cho đôi vợ chồng trẻ sau này. Ông Sập hào hứng kể lại chuyện ngày xưa bố mẹ ông đi chọn người làm mối cho mình: “Phải có tiêu chuẩn chứ! Cũng phải giỏi đối đáp, tục ngữ, phong tục phải biết. Nếu không, người ta đố ông mối bên nhà mình về văn hóa mà không đối được, người ta phạt rượu”.

Đã ăn cơm trước kẻng thì... đừng mơ thách cưới!

Người Sán Chí ở Lục Ngạn, Bắc Giang còn có những trường hợp cưới không bình thường với nghi thức khác biệt: Nếu có chửa trước khi cưới, trong đám cưới không làm thủ tục đặt gánh, tức là không trao đồ thách cưới cho nhà gái, nhà trai có thể đưa ít lễ vật rồi đón dâu về nhà chồng ngay. Nếu người phụ nữ chửa hoang thì bị làng bắt vạ, thường phạt vạ 30kg thịt, 20 lít rượu, hai thúng gạo nộp cho làng cúng đình và ăn uống tại đó.

Chuyện nửa đường đứt gánh mà đi bước nữa thì sao? Điều đó cũng không đáng lo ngại! Khi anh con trai về nhà vợ, họ hàng bên vợ cử ra một người cầm roi quất 3 cái vào gầm chạn và nói: “Nhà có người ăn không có người làm, nay có người này (chỉ vào chú rể) đến làm ăn để nuôi lũ trẻ (chỉ con riêng của người vợ)”. Bao đời nay, người Sán Chí tin rằng, làm như vậy cặp vợ chồng “rổ rá cạp lại” này mới hạnh phúc bền lâu. Chỉ sau khi thực hiện nghi thức đó, con riêng của vợ mới gọi người chồng mới của mẹ mình là bố dượng, còn không, anh ta mãi mãi là “người dưng”!./.