Cũng như các hộ dân khác trong bản Nà Bỏ xã Bản Giang, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, ngày nào chị Tào Thị Mỷ cũng vào mó lấy nước về phục vụ sinh hoạt cho 6 khẩu trong gia đình. Từ ăn, uống, tắm rửa đến giặt quần áo, gia đình chị đều lấy từ nguồn nước này.
Chị Mỷ cho biết, mấy năm trước đây nước rất sạch. Mỗi khi đi nương về bà con thường vào mó để tắm rửa, lấy nước về nấu ăn, thậm chí còn uống nước tại mó. Không hiểu vì lý do gì mà thời gian gần đây, mùa khô thì nước vẩn đục, mùa mưa thì bốc mùi hôi thối. Biết là sử dụng không đảm bảo vệ sinh, nhưng chẳng có nguồn nước nào khác.
Tại mó nước những ngày này, dù nguồn nước chảy về vẩn đục, nhưng cứ chiều đến là người dân lại kéo nhau vào mó tắm rửa, rửa rau và gánh về nhà để sinh hoạt. Lòng đập chứa nước giờ đây chỉ còn dâng được vài chục phân, mặt nước đóng váng vàng khè với đủ các loại tạp chất. Cũng từ nguồn nước ô nhiễm này khiến cá cuả nhiều hộ dân chết hàng loạt, khiến hàng chục ao cá phải phơi khô, bỏ hoang. Ông Vầy Văn Chứ, Trưởng bản Nà Bỏ cho biết: Trước đây, để có nguồn nước sử dụng, bà con đã đắp đập ngăn để tận dụng nước thả cá ở phía dưới và phía trên lấy để sử dụng sinh hoạt. Mấy năm nay, mỗi khi mùa mưa đến, nước có mùi hôi thối đổ về, kéo theo bùn đất, rác thải nên đã bồi lấp gần hết lòng đập.
“Từ ngày xây dựng nghĩa trang và bãi rác, qua một trận mưa to, nước đục ngầu như bừa ruộng. Vào tháng 6, nguồn nước có mùi rất thối, thậm chí còn có cả rác đùn ra từ trong mó. Nếu không sử dụng thì cũng không có nguồn nào khác, tất cả bà con đều dùng nguồn nước này, mặc dù biết nó bẩn. Ngoài 110 hộ dân, trong đó còn có hai trường mầm non và tiểu học, hết mùa mưa không có nước mưa để hứng nữa thì nhà trường đều phải sử dụng nguồn nước này để nấu nướng cho các em học sinh”, ông Chứ cho biết thêm.
Nghĩa trang và bãi rác thành phố Lai Châu được đưa vào sử dụng từ năm 2008 và năm 2009, thuộc bản Phan Lìn, xã San Thàng, cách bản Nà Bỏ khoảng 1km phía đầu nguồn nước. Riêng bãi rác có diện tích rộng 3,5 ha và diện tích bãi chứa rác rộng hơn 1 ha, vận hành theo quy trình chôn lấp, đổ đất phủ bề mặt rồi lu lèn. Từ ngày đưa vào hoạt động đến nay, trung bình mỗi ngày nơi đây tập kết khoảng 50 tấn rác và hiện đã sử dụng khoảng 20% dung tích chứa. Tuy nhiên, do khi xây dựng, đơn vị chủ đầu tư là thành phố Lai Châu không xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải bằng đường dẫn vào các bể sinh học như Đề án bảo vệ môi trường, nên nước rỉ từ rác đã thoát xuống nước ngầm.
Ông Nguyễn Bá Kiện, Chủ tịch UBND xã Bản Giang, huyện Tam Đường cho biết: “Để khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước, chính quyền xã đã sử dụng một số nguồn vốn, ví dụ như nguồn của WB triển khai đào giếng cho bà con và vận động nhân dân tự đào giếng. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm và đề xuất với cấp trên có hướng chỉ đạo dứt điểm. Về phía chính quyền chúng tôi cũng sẽ dùng nguồn vốn cần thiết để có thể đào thêm số lượng giếng, giúp bà con có nguồn nước sạch sử dụng”.
Để khắc phục tình trạng này, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc xác định nguyên nhân gây ô nhiễm và lấy mẫu nước gửi đi phân tích; nghiên cứu phương án cấp nước thay thế, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác để khắc phục tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi người dân bản Nà Bỏ vẫn phải sử dụng nguồn nước này, gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe./.