Trung tâm bảo trợ xã hội dành cho người cao tuổi (NCT) Ban Bang Khae (Bangkok, Thái Lan) được thành lập từ năm 1953 với mục đích ban đầu là hỗ trợ cho cuộc sống của NCT gặp hoàn cảnh khó khăn, đền đáp công ơn những NCT có cống hiến cho đất nước, xây dựng thành mô hình điển hình sau đó nhân rộng ra cả nước.

vov_1_qjqx.jpg
Trung tâm bảo trợ xã hội dành cho người cao tuổi Ban Bang Khae

Phương châm "sống thọ nhưng phải sống khỏe"

NCT tới trung tâm sẽ có thêm bạn bè, luyện tập để sức khỏe dẻo dai, trí óc thoải mái, được làm những việc phù hợp với sức khỏe, tăng thêm thu nhập. 

Theo Giám đốc Trung tâm, có 227 NCT đang sống tại đây, trong đó có 70 cụ ông, cụ bà thọ nhất 101 tuổi, có hơn 10 cụ trên 90 tuổi. Làm sao để các cụ "sống thọ nhưng phải sống khỏe" là phương châm làm việc của trung tâm. 

Sinh hoạt tại đây, NCT được hỗ trợ về học tập, y tế, các hoạt động vật lý trị liệu, làm việc...

Trung tâm phân nhóm NCT theo khả năng hỗ trợ bản thân. Những NCT có nguyện vọng học nghề hoặc những người có biểu hiện tình trạng sức khỏe như nhau sẽ được xếp vào một nhóm. 

Nhóm A là những người cao tuổi còn khỏe mạnh thì sẽ được hỗ trợ các hoạt động với mục đích để họ lão hóa chậm nhất, tự hỗ trợ bản thân một cách tốt nhất, có thể trở thành tình nguyện viên hỗ trợ những NCT thuộc nhóm B và C.

Nhóm B là những NCT chỉ hỗ trợ bản thân phần nào và vẫn phải sử dụng xe lăn nên ít tham gia hoạt động bên ngoài hơn nhóm A. Trung tâm tổ chức các hoạt động dành riêng cho nhóm này như vẽ tranh, tô màu... để họ cảm thấy thoải mái.

Nhóm C là những người bệnh alzheimer, bệnh tâm thần hoặc phải nằm liệt giường. Trung tâm sẽ tổ chức những hoạt động liên quan đến Phật giáo như mời nhà sư đến tụng kinh, thuyết giảng về đạo Phật để tâm hồn NCT nhẹ nhõm, chấp nhận hiện tại.

Trút bỏ gánh nặng tâm lý, hạnh phúc hay niềm vui sẽ ở bên cạnh

Tại trung tâm, NCT  được học những môn liên quan đến sức khỏe, kinh tế, công nghệ, được học và trực tiếp làm nghề thủ công. Khi làm việc, NCT cũng được phân chia công việc tùy thuộc nhóm sức khỏe.

NCT làm nghề thủ công.

Cô Wilawan Salontit - giáo viên dạy nghề tại Trung tâm cho biết: "Sản phẩm của các cụ sẽ được mang đi giới thiệu để bán cho khách du lịch, sau khi bán trừ vốn, 70% lãi dành cho các cụ, các cụ có thể dùng chi tiêu hoặc làm từ thiện.

Có cụ gia đình có điều kiện, con cái không muốn cụ phải làm việc nặng nhọc như quét nhà hay bê đồ ăn nhưng cụ vẫn muốn làm và giấu các con. Khi một đài truyền hình đến quay và phát sóng, con cháu cụ nhìn thấy những việc cụ làm đều cảm thấy rất xúc động và tự hào.

Có cụ trước kia là hiệu trưởng một trường học, khi vào đây làm công việc bưng bê, cụ cảm thấy như trút bỏ được gánh nặng tâm lý, mệt mỏi vì áp lực công việc, được sống là chính mình", cô Wilawan Salontit tâm sự.

Cụ Boonsong, 86 tuổi, vào trung tâm được 10 năm. Khi còn ở nhà, con cháu không cho cụ làm việc, khi vào trung tâm, cụ được làm việc mình thích và cảm thấy dễ chịu, thư giãn. Cụ cũng tự may quần áo cho mình mặc hàng ngày.

Cụ Niyada (79 tuổi) đã ở trung tâm này được 5 năm. Cụ cho biết, đây sẽ là nơi ở cuối cùng trong cuộc đời cụ.

Sản phẩm thủ công của NCT tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Ban Bang Khae
.