Tết là dịp gia đình quần tụ, người đi xa thì trở về nhà, vợ chồng quấn túm, con cái sum vầy bên cha mẹ. Nhưng với phụ nữ độc thân, mỗi dịp lễ Tết dường như có nỗi sợ vô hình bủa vây. Vậy nỗi sợ đó là gì: Đó là sự cô đơn, chống chếnh bên chính gia đình họ khi mà cuộc sống hôn nhân chẳng may không hoàn hảo.

5-7 năm trước, nhiều chị bạn tôi rơi vào hoàn cảnh độc thân đều thì thầm nhỏ to tâm sự “Độc thân buồn lắm. Ngày bình thường đi làm rồi lo cho con cái không thấy gì nhưng đến ngày lễ Tết, thấy mình cô độc quá. Nhìn gia đình nhà người ta sum vầy, đoàn tụ, vợ chồng vui vẻ mà thấy thèm. Nhìn lại mình lủi thủi với con thấy tủi thân vô cùng. Lúc đó chỉ thấy cay cay sống mũi và trách thân phận mình bọt bèo, đen đủi”.

Đấy là trước kia, còn bây giờ phụ nữ độc thân ít người còn giữ những suy nghĩ đó. Họ mãnh mẽ mọi lúc, mọi nơi, không điều gì khiến họ chùn bước. Trong suy nghĩ của phụ nữ độc thân hiện đại không có hai từ “tủi thân” hay “chênh vênh”. Họ chỉ sợ không có sức khỏe để làm việc kiếm tiền, không có thời gian để tái tạo sức lao động, hưởng thụ cuộc sống.

Vào dịp Tết như này, phụ nữ độc thân không còn cảm giác sợ khi phải lủi thủi không có chồng bên cạnh, cũng chẳng thấy tủi thân khi mà làm gì cũng chỉ một mình. Bởi họ đâu còn thời gian dành cho việc đó.

Chị Minh Hạnh, giáo viên một trường liên cấp quốc tế tại Hà Nội đùa rằng, có lẽ từ ngày có chồng cho đến khi không có chồng cuộc sống không khác nhau là mấy. Lúc trước do đặc thù công việc nên chồng chị đi công tác triền miên không có ngày nghỉ, càng Tết càng đi nhiều. Thành ra việc lớn nhỏ trong nhà đều do một tay chị quán xuyến. Cũng bởi do đi nhiều rồi khoảng cách tình cảm ngày càng xa nên vợ chồng chị mỗi người một con đường. Giờ đi sống cùng hai cô con gái, chị Hạnh cũng không có cảm giác chống chếnh.

“Tết cũng như bao ngày khác là không phải đến cơ quan. Thời gian chủ yếu dành cho gia đình. May bên ngoại đông đúc nên dịp này anh chị em quây quần bên nhau buôn đủ thứ chuyện, vèo nhát hết ngày. Năm nay Covid nên không có kế hoạch đi chơi xa chứ những năm trước mấy mẹ con đều khoác ba lô đi chu du khắp nơi. Lúc này còn sức khỏe nên tranh thủ đi cùng con chứ sau có tuổi ngại đi với lại con nó lớn cũng không còn thích đi cùng mình nữa.

Ngày trước phụ nữ hay cả nghĩ thành ra lúc nào mặt cũng buồn rười rượi cho rằng mình không may mắn. Chứ giờ khác xưa nhiều lắm, chỉ sợ không có thời gian để thực hiện những việc mình yêu thích. Vì vậy không bao giờ có khoảng thời gian trống để nghĩ này nghĩ kia. Lúc nào cũng vui tươi tràn đầy năng lượng tích cực để sống”, chị Hạnh lạc quan chia sẻ.

Xã hội thay đổi nên tư duy của phụ nữ nói riêng cũng thay đổi nhanh khiến chính bản thân họ cũng bất ngờ. Chưa Tết, chị Linh cũng là mẹ đơn thân đã chìa ra kế hoạch cho dịp Tết Tân Sửu. Từ ngày ly hôn đến giờ chị cũng trải qua hai năm đầu khủng khoảng nhưng rồi chị cũng lấy lại cân bằng để mà tiếp tục sống, lo cho con. Trước chị là người sống khép kín, không thích ồn ào nên Tết chị chỉ muốn ở nhà, lo cho gia đình. Nhưng sau 2 năm vượt qua khủng hoảng, chị Linh dường như trở thành một người hoàn toàn khác. Chị không còn nghĩ đến tiêu cực, chả than thân trách phận, cũng không thở dài thườn thượt như trước nữa. Ngay từ sớm chị chủ động rủ bạn bè tham gia những chương trình trong dịp nghỉ Tết. Năm thì đi biển, năm leo núi khám phá cuộc sống thiên nhiên. Mọi thứ cho những chuyến đi trải nghiệm trong dịp Tết được chị Linh chuẩn bị chu đáo.

“Giờ mà nói phụ nữ đơn thân thường hay chống chếnh vào những dịp lễ Tết thì quả là lạc hậu mất rồi. Thực sự giờ không còn đủ thời gian mà thực hiện những việc mình mong muốn lấy đâu ra thời gian mà chống với chả chếnh. Giờ tôi thấy cuộc sống vui lắm. Công việc của tôi cũng bận rộn nên khi làm việc thì làm hết sức mình. Thời gian rảnh là làm những việc mà mình yêu thích ngay. Rảnh tôi thường thích đi du lịch, nếu thời gian ít thì ở nhà chăm cây, rồi đọc sách, nghe nhạc hoặc mời bạn bè đến nhà nấu ăn. Nếu ai bảo phụ nữ độc thân buồn bã thì quả là sai rồi”, chị Linh vui vẻ cho hay.

Không ai nói sống độc thân là thích bởi gia đình trọn vẹn thì sẽ hoàn hảo hơn. Nhưng cuộc sống không phải ai cũng được tất cả, không gia đình nào cũng đầm ấm đi với nhau đến tận cuối con đường. Có thiếu hụt, có lỡ dở thì dù là đàn ông hay phụ nữ, ai cũng thấy trân trọng cuộc sống, nâng niu bản thân và thương chính mình nhiều hơn. Và chả may có lỡ dỡ phải đi tiếp trên con đường đó có một mình thì phụ nữ cũng chấp nhận và sớm cân bằng cuộc sống.

Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/Ta có thêm ngày nữa để yêu thương./.