Năm 2013, mặc dù kinh tế đất nước còn gặp nhiều khó khăn nhưng Chính phủ vẫn chỉ đạo ưu tiên bố trí nguồn lực cho lĩnh vực an sinh xã hội và giảm nghèo. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đết hết năm 2013 còn 7,8% theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2011-2015, giảm 1,8% so với năm 2012. Riêng các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a giảm bình quân 5%, từ 43,89% năm 2012 xuống còn 38,89%.

giamngheovn.jpg
Tạo việc làm cho lao động ở địa phương góp phần giúp người dân thoát nghèo (Ảnh: dangcongsan.vn). 

Tuy nhiên, việc giảm nghèo của chúng ta chưa bền vững. Ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt có nơi còn trên 60, 70%; khoảng cách chênh lệch giàu nghèo vẫn tồn tại dai dẳng. Trong khi việc giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số còn nhiều thách thức, nước ta lại phải đối mặt với các dạng nghèo đô thị mới đã xuất hiện.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm, để giảm nghèo bền vững cần tập trung triển khai một số giải pháp: Trong năm 2014, nhiệm vụ của Bộ LĐTBXH cũng như các bộ ngành là tập trung rà soát, đánh giá lại toàn bộ chính sách giảm nghèo, để chỉ ra chính sách nào còn phù hợp, chính sách nào cần phải thay đổi, khắc phục được tình trạng chính sách trùng lắp, chồng chéo. Xây dựng hệ thống tiêu chí nghèo nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau, cả về thu nhập, cả về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (gọi là nghèo đa chiều). Các chính sách tới đây cần phải giải quyết tính đặc thù của các nhóm đồng bào, các nhóm dân cư và các nhóm địa bàn. Các chính sách giảm nghèo thời gian tới phải khuyến khích được sự tham gia tích cực của người dân hơn để họ tự lực vươn lên thoát nghèo./.