Hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, ông Phạm Thiện Tài, chủ nhiệm hợp tác xã môi trường Thành Công luôn trăn trở, tìm tòi và có nhiều sáng kiến trong việc thu gom và xử lý rác thải của thủ đô Hà Nội. Ông cùng với tập thể cán bộ, xã viên đưa HTX môi trường Thành Công trở thành đơn vị dẫn đầu trong công tác xã hội hóa vệ sinh môi trường.
Một ngày làm việc của ông Phạm Thiện Tài, Chủ nhiệm Hợp tác xã môi trường Thành Công, Hà Nội bắt đầu từ 7 giờ sáng kéo dài tới tận khuya. Chia sẻ với chúng tôi, ông Phạm Thiện Tài luôn trăn trở trước tình trạng thành phố ngày càng ô nhiễm bởi rác thải: "Ở thành phố Hà Nội, lượng rác rất nhiều, đi đến ngách ngõ nào cũng có rác, thu gom không xuể. Chính vì vậy, tôi rất trăn trở và tham gia thành lập Hợp tác xã Thành Công để làm công tác vệ sinh môi trường".

ong-tai.jpg
Ông Phạm Thiện Tài -Chủ nhiệm HTX môi trường Thành Công

Bằng quyết tâm của mình, năm 2000, Hợp tác xã môi trường Thành Công đã được thành lập. Ban đầu chỉ có 4 công nhân, được giao làm vệ sinh môi trường tại một phường. Đến năm 2008, hợp tác xã được thành phố giao thêm địa bàn huyện Từ Liêm và quận Thanh Xuân, mới đây nhận thêm huyện Hoài Đức, Thạch Thất và Đan Phượng. Số công nhân của Hợp tác xã đã tăng lên 1.500 người với trên 100 phương tiện phục vụ cho công tác thu gom, xử lý rác thải.

Mỗi ngày thành phố Hà Nội có 5.000 tấn rác thải cần được xử lý, trong khi quỹ đất dành cho việc chôn lấp rác thải ngày càng thu hẹp. Thực trạng này khiến ông nhiều đêm suy nghĩ tìm phương pháp xử lý rác thải hiệu quả nhất. Nghĩ là làm, ông đã đi nhiều địa phương, ra cả nước ngoài tìm hiểu về công nghệ xử lý rác thải. Cứ nghe ở đâu có nhà máy xử lý rác thải hoạt động hiệu quả là ông đến học hỏi kinh nghiệm. Ông cùng  tập thể cán bộ, xã viên hợp tác xã tự nghiên cứu, thử nghiệm và tiến hành xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt tại thị xã Sơn Tây với các thiết bị hầu hết được chế tạo trong nước. Đầu năm 2013, nhà máy đi vào vận hành, giảm thiểu lượng rác thải phải chôn lấp, vừa bảo vệ môi trường, vừa tiết kiệm chi phí hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho thành phố Hà Nội. Ông Tài cho biết: Hiện tại, nhà máy xử lý được trên 180 tấn rác thải một ngày và tiến tới sẽ xử lý được 500 tấn rác một ngày.

Từ thành công của nhà máy xử lý rác thải đầu tiên ở Sơn Tây, ông tiếp tục xin thành phố cấp phép cho xây thêm 2 nhà máy xử lý rác thải nữa ở các huyện Thạch Thất, Hoài Đức: "Tôi muốn làm thêm một nhà máy xử lý rác nữa. Tôi mong chính quyền thành phố và các Sở, Ban, ngành tạo điều kiện để ngày càng đốt được nhiều rác, giảm việc chôn lấp".

Không chỉ trăn trở tìm giải pháp bảo vệ môi trường thủ đô, ông Tài còn luôn quan tâm, tạo công ăn việc làm cho những lao động nghèo, thương bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn, bố trí cho họ những công việc phù hợp với khả năng và tình trạng sức khỏe. Chị Nguyễn Thị Nga, công nhân quét rác gắn bó với hợp tác xã Thành Công ngay từ những ngày đầu thành lập chia sẻ: "Ông Tài là người rất năng động và nhiệt tình. Những ngày lễ, tết ông đều có chế độ hỗ trợ và hỏi thăm kịp thời các công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Năm nào, vào đêm giao thừa, ông Tài đều xuống các đơn vị chúc Tết, động viên. Vào những ngày mưa bão, ông đều xuống địa bàn để hỏi thăm công nhân".Mong muốn góp sức mình giúp cho người dân thủ đô được sống trong môi trường trong lành hơn, thành phố ngày càng sạch hơn, ông Tài vẫn miệt mài theo đuổi các dự án dù biết rằng để đến đích phải trải qua nhiều chông gai, thử thách./.