Đến thời điểm này, mưa đã tạnh, các thủy điện ở miền Trung cũng đã giảm lưu lượng xả, nhưng hậu quả của trận lũ dữ vừa qua khiến hàng vạn người dân lâm vào tình trạng thiếu lương thực, nước sinh hoạt, giao thông bị chia cắt, không điện thắp sáng... Ngày 17/11, chính quyền các tỉnh đã tập trung nguồn lực, trích ngân sách hỗ trợ ban đầu cho người dân, đồng thời bắt đầu tiếp nhận sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân giúp người dân vùng lũ.

Đến thời điểm này, xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi vẫn như một ốc đảo. 2 ngày bị nước lũ cô lập nên người dân không còn gì để ăn. Vì vậy những thùng mì tôm, chai nước uống gửi đến tận tay người dân lúc này thật ý nghĩa.
hinh-anh-cuu-tro-4.jpg
Từ khi xảy ra mưa bão, ngập lụt nhiều đoàn cứu trợ đã tìm mọi cách để giúp đỡ bà con vùng lũ.
Ông Nguyễn Liếng, xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi tâm sự: "Nhận được chuyến hàng này tôi thay mặt người dân trong địa phương rất cảm ơn những tấm lòng đã ủng hộ cho chúng tôi".

Ngày 17/11, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cũng đã điều động 600 cán bộ, chiến sỹ đến giúp nhân dân tỉnh Quảng Ngãi sửa chữa nhà cửa, đường sá bị hư hỏng. Hiện nay, 5.000 cán bộ chiến sỹ cùng phương tiện của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cũng đã sẵn sàng, khi các địa phương yêu cầu. Hiện nay hàng ngàn ngôi nhà bị trôi, sạt lở, sụp đổ; lúa, gạo cũng trôi theo dòng lũ dữ, việc ổn định cuộc sống của bà con rất khó khăn. Ông Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Lãnh đạo tỉnh đã thành lập các đoàn tiếp cận những vùng bị ngập lũ nặng, bị chia cắt để tìm cách cứu hộ, cứu nạn cho dân. Đồng thời, chỉ đạo chôn cất người bị chết, cứu chữa người bị thương, che chắn lại nhà cửa đối với những ngôi nhà bị sụp đổ, dọn dẹp vệ sinh môi trường".

Mưa lũ khiến nhiều tỉnh miền Trung chìm trong nước  - Ảnh: Võ Thái Bình

Trận lũ vừa qua không chỉ nhấn chìm và gây thiệt hại nặng nề tại các địa phương vùng hạ lưu sông Côn, tỉnh Bình Định. Đến tối 17/11, nhiều khu vực phía thượng nguồn sông Côn tại huyện Vĩnh Thạnh vẫn đang bị cô lập, người dân và chính quyền cơ sở giúp nhau để vượt qua khó khăn. Đã 2 ngày kể từ khi nước lũ trên sông Côn dâng cao, nhấn chìm nhiều khu vực ở huyện Vĩnh Thạnh, nhưng nhiều người dân nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng. Chỉ trải qua 1 ngày mưa nhưng nhiều khu vực tại 9 xã, thị trấn của huyện chìm trong biển nước. 
Ông Nguyễn Văn Quân, ở xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh cho hay: Trong lúc lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận vùng rốn lũ, bà con ở đây dùng mọi phương tiện sẵn có để sơ tán đến nơi an toàn.

"Chúng tôi huy động mọi phương tiện, có gì dùng đó, nhà này hỗ trợ nhà kia để cứu người, giúp người. Nhiều làng xung quanh họ cũng đem phương tiện tới cứu giúp" - ông Nguyễn Văn Quân cho biết.

Còn tại tỉnh Quảng Nam, trong khi mưa đã giảm, nhưng sạt lở núi lại xảy ra. Tại khu vực tổ Đàn Bộ, thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, núi bị sạt làm ngã đổ trụ điện cao thế truyền tải điện Thủy điện Sông Tranh 2 và vùi lấp các nhà dân nơi đây. Hàng ngàn mét khối đất, đá từ sườn núi ngấm nước trong nhiều ngày qua đã đổ xuống, vùi lấp hơn 100m đường, khiến giao thông bị chia cắt. Ông Đỗ Mỹ, một trong 3 hộ dân đang sống dưới chân sườn núi vừa thoát hiểm cho biết: "Đất sạt lở xảy ra lúc 12h đêm vết nứt chỉ cách trụ điện khoảng 10m. Tôi đề nghị cấp trên quan tâm giải quyết để ba gia đình tại đây an toàn tính mạng".

Cũng trong ngày 17/11, chính quyền các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế cũng huy động lực lượng và phương tiện tại chỗ giúp dân khắc phục hậu quả lũ lụt, với phương châm “nước rút đến đâu dọn dẹp vệ sinh đến đó”, để nhanh chóng ổn định cuộc sống và sản xuất cho người dân vùng lũ./.