Thời tiết giao mùa, cộng với môi trường ô nhiễm sau bão lũ khiến một số bệnh như đau mắt đỏ, sốt xuất huyết và các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa đang có chiều hướng tăng mạnh tại các tỉnh miền Trung. Nhiều bệnh viện, Trung tâm y tế đang bị quá tải.Ngô Hữu Nhật (16 tuổi, ở xã Bình Trung, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) nhập Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng sốt cao, đau đầu dữ dội. Qua xét nghiệm và chẩn đoán của bác sỹ, Nhật bị sốt xuất huyết. Nhật cho biết, sau bão ở quê em có rất nhiều người bị sốt xuất huyết, có nhà 2 -3 người mắc, vì thế khi em có dấu hiệu sốt cao, gia đình đã chuyển thẳng ra Bệnh viện Đà Nẵng chữa trị cho yên tâm.

“Cách đây 3 ngày em bị sốt cao và đâu đầu ghê lắm. Khu vực nơi em ở có nhiều hồ nước, muỗi và nhiều người bị sốt xuất huyết nên gia đình rất lo lắng. Mấy hôm nay, bệnh nhân sốt xuất huyết nhiều nên 2 người phải nằm chung 1 giường”, Nhật cho biết thêm.

anh-sxh.jpg
Trung tâm Y tế dự phòng tăng cường phun thuốc sát khuẩn tại các khu vực bị ô nhiễm (Ảnh minh họa)

Tại tỉnh Quảng Nam, sau bão, không riêng bệnh sốt xuất huyết, các bệnh cảm cúm, đau mắt đỏ, nước ăn chân, tiêu chảy… cũng tăng cao. Trong khi đó, tại thành phố Đà Nẵng, các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, đau mắt đỏ, đặc biệt là bệnh sốt xuất huyết tăng gấp đôi, gấp 3 so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ riêng 3 tuần đầu tháng 10, Khoa Y học Nhiệt đới Bệnh viện Đà Nẵng đã tiếp nhận gần 220 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Số người nhập viện đông, trong khi cả khoa chỉ có 42 giường, nên dù đã kê thêm giường ngoài hành lang, bệnh nhân vẫn phải nằm ghép.

Bác sỹ Phạm Ngọc Hàm, Trưởng khoa Y học Nhiệt đới Bệnh viện Đà Nẵng khuyến cáo, năm nay bệnh sốt xuất huyết diễn biến khá nguy hiểm, trong đó có khoảng 20% sốt xuất huyết Dengue thể nặng, nguy hiểm, trụy mạch, huyết áp thấp, xuất huyết niêm mạc…

“Bệnh sốt xuất huyết Dengue năm nay có nhiều trường hợp nặng hơn năm ngoái, chiếm tỷ lệ 15- 20%. Rất nhiều trường hợp tiểu cầu dưới 10.000, thậm chí dưới 1.000 tiểu cầu trong 1 mm3. Những trường hợp này cần phải truyền tiểu cầu, trong đó tiểu cầu gạn tách hay tiểu cầu pool thì khi đó mới giải quyết được”, bác sĩ Phạm Ngọc Hàm nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Đà Nẵng, đến nay thành phố đã ghi nhận gần 1.350 ca sốt xuất huyết, khoảng 7.000 ca đau mắt đỏ, hơn 2.300 ca tay chân miệng…. Thạc sỹ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Đà Nẵng cho biết, ngay sau bão, Trung tâm đã chuyển xuống các địa phương hơn 400 kg cloramin B; 63.000 cloraminB viên; 49.000 viên Aquatab và 100 lít hóa chất diệt côn trùng. Đồng thời cử cán bộ y tế xuống những địa bàn bị thiệt hại nặng do bão để giám sát dịch bệnh và  giúp dân xử lý môi trường, khử khuẩn nguồn nước:

Thời tiết chuyển mùa, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, vì thế, cùng với sự nỗ lực của ngành Y tế, chính quyền địa phương và bản thân mỗi người dân cũng cần chủ động có biện pháp tự phòng tránh dịch bệnh ./.