Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 10, các tỉnh miền Trung khẩn trương triển khai họp bàn, chuẩn bị các phương án ứng phó với bão, nhằm giảm mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.

** Tại tỉnh Hà Tĩnh, đến 17h hôm nay, gần 3.900 phương tiện tàu thuyền, với hơn 14.000 lao động đã vào bờ trú ẩn an toàn. Các đồn, trạm biên phòng ven biển phối hợp Cảng cá Hà Tĩnh và các địa phương giúp ngư dân sắp xếp, chằng néo tàu thuyền tại các khu neo đậu tránh va đập, gây vỡ và chìm tàu.

Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các hồ chứa lớn như Kẻ Gỗ, Sơn Kim, Sông Rác và các nhà máy thủy điện Hương Sơn, Hố Hô chủ động triển khai phương án vận hành xả lũ.

quang-tri.jpg
Nhiều tàu cá của ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh lân cận neo đậu trong âu thuyền Thọ Quang tránh bão số 10 (Ảnh: Dân trí)

Các địa phương ven biển như Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân khẩn trương gia cố các tuyến kè, đê biển xung yếu. Đề phòng bão số 10 gây mưa lớn, các địa phương ở miền núi như Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê cũng chủ động các phương án di dời dân đến nơi an toàn.

Ông Đinh Hữu Tân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hương Khê cho biết: “Hiện các thành viên của Ban Chỉ đạo huyện đã về tất cả các xã để chỉ đạo các đơn vị, tùy theo tình hình cụ thể để có ứng phó. Huyện cảnh báo cho dân biết những chỗ nào không an toàn cần chuẩn bị di chuyển, tập trung rà soát lại các phương tiện theo kế hoạch để ứng phó với bão”.

** Ngay trong chiều nay, các thành viên của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An đã trực tiếp xuống các huyện để bàn biện pháp ứng phó với bão số 10. Đến chiều nay, tất cả các phương tiện tàu thuyền hoạt động trên biển đã nhận được thông tin, diễn biến của bão và đang di chuyển vào nơi tránh trú an toàn.

Hiện toàn tỉnh có hơn 20.000ha lúa mùa đang trong giai đoạn bắt đầu chín. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An yêu cầu các công ty khai thác công trình thủy lợi tổ chức ứng trực suốt ngày đêm, đề phòng khi có mưa lớn sẽ mở tất cả các cống tiêu, thoát nước, không để ngập úng các diện tích lúa mùa và hoa màu vụ đông.

Ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An cho biết: “Sở tập trung chỉ đạo bà con nông dân có một số vùng diện tích lúa mùa sớm đã chín cần đẩy nhanh tiến độ thu hoạch. Tập trung chỉ đạo các công ty thủy nông bảo vệ an toàn hồ đập và trực để tiêu thoát nước ở những kênh chính; tiêu thoát kênh nội đồng, không để ngập úng các diện tích, đặc biệt là những diện tích vụ đông mới gieo trồng.

** Chiều nay, tỉnh Quảng Trị gấp rút triển khai các phương án ứng phó bão số 10. Ông Lê Quang Lanh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị cho biết, huyện vừa tổ chức họp khẩn với các cơ quan, đơn vị để triển khai công tác phòng chống bão, lên phương án chủ động sơ tán dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

** Tỉnh Quảng Bình cũng đã có kế hoạch di dời gần 2.000 dân vùng ven sông, ven biển, vùng thấp trũng, nguy cơ lũ quét, sạt lở núi đến nơi an toàn. Ông Phan Văn Khoa, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết,  tỉnh kiên quyết di dời dân ở các vùng thấp trũng.

** Chiều nay, lãnh đạo huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã đi kiểm tra tại các điểm xung yếu; huy động hơn 300 cán bộ chiến sĩ công an, bộ đội, thanh niên xung kích sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho hay, chiều nay tại đảo Lý Sơn, sóng to, gió mạnh, bộ đội đang giúp ngư dân chằng néo tàu thuyền.

** Cũng trong sáng nay, đoàn công tác Quân khu 5 do Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó tư lệnh Quân khu 5 dẫn đầu, đã đến kiểm tra công tác phòng chống bão số 10 tại khu vực Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ban Chỉ  huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, chủ động lên phương án sơ tán người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm.

Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, cho biết: “Lực lượng vũ trang Quân khu đã điện, chỉ đạo các đơn vị theo kế hoạch sử dụng lực lượng và phương tiện của mình để tham gia ứng phó với con bão số 10, giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, cũng như hướng dẫn nhân dân di dời trước khi bão vào. Các lực lượng, phương tiện đã sẵn sàng ứng cứu bão lụt”.

** Còn tại thành phố Đà Nẵng, đến  nay đã có 1.400 tàu thuyền vào tránh trú bão số 10 tại âu thuyền Thọ Quang và vịnh Mân Quang./.