Người dân các làng quê ven biển tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung di dời tránh bão số 14. Dọc con đường Hoàng Sa chạy ra cửa biển Thuận An, huyện Phú Vang đâu đâu cũng thấy cảnh người dân dùng xe máy chở nhau đi tránh bão, những phụ nữ bồng bế con, mang theo đồ đạc di dời sang các ngôi nhà cao tầng, kiên cố hơn. 
Mới đầu giờ chiều, cảnh làng quê ở Thuận An đã trở nên hoang vắng. Những ngôi nhà cửa đóng then cài, chỉ còn lại lực lượng chức năng làm nhiệm vụ giúp dân tránh bão. Ông Hoàng Hữu Phước, Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang cho biết, toàn thị trấn có 1.800 hộ với 7.800 khẩu tập trung tại 5 thôn ven biển đã được di dời. 
Ông Nguyễn Anh Tuấn, ở thôn Hái Bình, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang cho biết: "Các thôn như Hải Tiến, Hải Bình và thôn Minh Hải ở đây là phải di dời hết để đảm bảo an toàn. Những nhà có bà con ở Huế hoặc có điều kiện thì sẽ đi lên Huế để tránh bão, còn hầu hết người dân ở đây thì vào trường cấp 3 Thuận An hoặc trường tiểu học Thuận An".
cac-ho-dan-da-duoc-di-doi.jpg
Các hộ dân đã được di dời tại Quảng Ngãi
** Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, từ chiều đến giờ, đã có mưa vừa đến mưa to ở một số nơi, gió giật cấp 5, cấp 6. Đêm 9/11, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Ngãi đặt sở chỉ huy tại huyện Bình Sơn, giáp ranh với tỉnh Quảng Nam để thuận tiện trong công tác chỉ đạo. 

Đến 19h tối 9/11, tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành di dời được hơn 36.700 trong tổng số 54.000 hộ phải di dời theo kế hoạch đến nơi cao ráo, kiên cố như: trường học, trụ sở UBND và các khách sạn. Đến tối 9/11, tại Quảng Ngãi đã có 1 người tử vong ở huyện Đức Phổ do ngã khi đang chằng chống nhà cửa. Bên cạnh công tác di dời, chiều 9/11, hồ chứa nước Nước Trong đã tiến hành xả lũ với lưu lượng 200 m3/s để chủ động đón lũ. Hiện, các địa phương trong tỉnh đã dự trữ được hơn 90 tấn gạo, gần 8.000 thùng mỳ tôm cùng nước uống dự trữ ở UBND huyện, xã và các địa điểm sơ tán để phục vụ nhân dân trong những ngày bão.

Người dân chủ động phòng tránh bão số 14

Anh Phạm Tấn Hùng, ở xã Sơn Hải, huyện Bình Sơn vừa được di dời đến nơi an toàn cho biết: "Nhà tôi dưới bãi ngang gần biển sợ sóng bão ập về nên di chuyển lên đây cho yên tâm. Tôi cũng chỉ kịp đem một ít xôi cùng đồ ăn, nước uống và sữa cho trẻ con".

Ông Phan Vinh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tịnh đang trực tiếp chỉ đạo tại 1 điểm di dời dân cho biết: "Hiện nay tại địa điểm này chúng tôi chia khoảng 10 phòng, với 50 người ở 1 phòng cùng mỳ tôm, nước khoáng đã chuẩn bị sẵn. Nếu tối 9/11 có xảy ra mất điện thì đèn dầu và đèn pin cũng được chuẩn bị đầy đủ"./.