Tỉnh Thanh Hóa có công điện chỉ đạo các huyện, thị xã triển khai sắp xếp neo đậu tàu, thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn và tiến hành các phương án đảm bảo an toàn hồ đập, sẵn sàng di dân theo yêu cầu. Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về công tác phòng chống bão 14.

PV:Thưa ông, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 14, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai những biện pháp gì để ứng phó với với cơn bão này?

Ông Nguyễn Đức Quyền:Tỉnh Thanh Hóa chúng tôi xác định mấy nội dung công việc chủ yếu: Thứ nhất là các huyện ven biển phải thông tin, kêu gọi tất cả phương tiện tàu thuyền và ngư dân đang hoạt động đánh bắt hải sản và các hoạt động kinh tế khác trên biển biết về diễn biến của bão. Hiện có 7.501 tàu thuyền với gần 25.000 lao động của Thanh Hóa đã có thông tin về cơn bão này và vào nơi tránh trú an toàn.

af.jpg
Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Thứ hai, các huyện rà soát lại công tác chuẩn bị phương án phòng chống bão lụt, nhất là công tác 4 tại chỗ cùng sẵn sàng phương án sơ tán dân đến nơi an toàn. Thứ 3, chúng tôi dự báo Thanh Hóa có ảnh hưởng gió cấp 10, giật cấp 12 đồng thời có mưa rất lớn, đặc biệt là khu vực miền núi nên tỉnh cử 13 đoàn công tác xuống 13 huyện phía nam và các huyện miền núi của tỉnh để kiểm tra, đôn đốc các huyện thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về phòng tránh cơn bão số 14.

PV:Được biết, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có rất nhiều hồ, đập. Vậy tỉnh đã có biện pháp gì để đảm bảo an toàn tuyệt đối khi mưa bão diễn biến thất thường, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Quyền:Chúng tôi chỉ đạo tất cả các huyện có hồ đập phải được kiểm tra, rà soát lại mức nước đã tích và chất lượng của các đập, đánh giá mức độ an toàn, trên cơ sở đó có phương án đảm bảo an toàn cho hồ, đập. Các hồ lớn như hồ Cửa Đạt có công suất chứa 1,45 tỷ m3và hồ Yên Mỹ trên 300 triệu m3 chúng tôi đã chỉ đạo cho xả trước để đảm bảo hạ thấp mức nước trong hồ. Chúng tôi quyết định không tích nước 17 hồ và 75 hồ tích nước hạn chế để đảm bảo an toàn cho hồ đập.

PV:Khi mưa bão xảy ra thì công tác cứu đói là rất quan trọng. Ông có thể cho biết tỉnh Thanh Hóa đã chuẩn bị cho công tác này như thế nào? 

Ông Nguyễn Đức Quyền:Trong phương án phòng tránh bão lụt của Thanh Hóa, chúng tôi đã qui định công tác 4 tại chỗ. Đặc biệt là dự trữ nhu yếu phẩm lương thực để đảo bảo đời sống. Trước hết mỗi hộ gia đình phải tự chuẩn bị lương thực và nước uống trong 3 ngày. Thứ hai là các xã phải sẵn sàng ứng cứu 2 ngày tiếp và sau đó là hỗ trợ của tỉnh và của huyện.

Có thể nói là công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 14 được Thanh Hóa thực hiện với tinh thần chủ động và sẵn sàng, tùy theo diễn biến của cơn bão để có những ứng phó kịp thời. Chúng tôi vẫn thực hiện phương châm là phải chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả./. 

PV:Vâng, xin cảm ơn ông!./.