Khoảng 3h sáng 13/7, tại vị trí bắt được con cá mập đầu tiên (giữa đảo Hòn Ngang và đảo Hòn Khô) cách bờ biển khoảng 1 km, đoàn công tác gồm 2 cán bộ Viện Hải dương học và 4 ngư dân đã bắt thêm một con cá mập con.

Đến 8h15’ cùng ngày, đoàn công tác đã đưa con cá vào bờ để bảo quản, lấy mẫu phục vụ cho quá trình nghiên cứu.

Đây là lần khảo sát thứ 7, được tiến hành từ 15h ngày 12/7, ngay sau khi bắt được con cá mập sọc trắng cái đầu tiên. Đoàn đã tiến hành thả 130 lưỡi câu, đến sáng sớm 13/7, tại vị trí lưỡi câu số 37, con cá mập sọc trắng đực đã mắc câu. Cá mập trắng có tên khoa học là Carcharhinus amblyrhynchoides, là một loài cá dữ.

Camap2.jpg

Cá mập bắt được sáng 13/7 (Ảnh: Thanh niên)

Đây là một trong những chuyến đi khảo sát dài ngày của đoàn cán bộ. Đoàn đã mời những ngư dân có kinh nghiệm đi biển, giỏi kỹ thuật câu từ ngoài Phù Mỹ vào tham gia nên đợt khảo sát này mới hiệu quả.

Trong quá trình khảo sát, đoàn đã liên tục thay đổi nhiều cách thức mới. Trước mắt, đoàn chưa có đủ căn cứ để đánh giá chính thức vì sao cá mập lại xuất hiện và tấn công người ở bãi biển Quy Nhơn mà không phải là bãi biển khác.

Nhưng qua kết quả trên, bước đầu chứng tỏ vùng biển này có cá mập, đồng thời minh chứng phần nào việc cá cắn người. Đoàn công tác Viện Hải dương học cần tập hợp các chuyên gia phân tích mới đánh giá chính thức được./.