Chỉ còn một tháng nữa là tròn một năm gần 200 hộ dân ở vùng ngập lòng hồ thủy điện Đắc Đrinh, thuộc xã Đắc Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum chuyển tới nơi ở mới. Những tưởng cuộc sống nơi tái định cư của người dân sau một năm đã cơ bản ổn định, song thực tế vẫn đang ngổn ngang với nhiều mối lo. Cùng với lao động sản xuất bị gián đoạn do việc cấp đất bị chậm, thì những bất hợp lý trong làm nhà tái định cư, rồi một số công trình xây dựng kém chất lượng cũng đã bộc lộ khiến lòng dân bất an.

ho-thuy-dien.jpg
Hồ thủy điện Đắc Đrinh

Nhìn từ xa, 6 khu tái định cư cho các hộ dân vùng ngập thủy điện Đắc Đrinh ở xã Đắc Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum như phố giữa rừng. Chính điều này mà đa số người dân “không ưng cái bụng”, “chưa thông cái đầu” vì xa lạ với tập quán cư trú của người địa phương. Đến nay, dù gần một năm đã trôi qua, không ít ngôi nhà vẫn như vô chủ vì người dân chưa chịu ký nhận.

Gia đình ông A Đẩy, ở làng Xô Thác là một ví vụ. Mặc dù có ngôi nhà to rộng dự án xây sát kế bên, song mọi sinh hoạt hàng ngày của cả gia đình vẫn diễn ra trong ngôi nhà tự làm chật hẹp. Lý do khiến ông A Đẩy không nhận nhà, rất cụ thể:  “Phong tục tập quán của dân tộc không nên cúng loại nhà như thế vì làm không đủ tư cách; nước uống còn thiếu lúc có lúc không; không có đường lên xe đi lên đi xuống cũng khó và cuối cùng họ nói cái nhà 450 triệu, không chấp nhận, không dám ở”.

“Từ chối” những căn nhà rộng từ 65 đến 85 m2 có cả bếp và nhà vệ sinh trị giá 300-400  triệu đồng do dự án xây, 11 hộ dân với trên 50 khẩu ở làng Xô Luông hiện vẫn đang ăn ở sinh hoạt tạm bợ trong những ngôi nhà tự làm hai bên đường tránh ngập. Lý do không nhận nhà được người dân cho rằng, nhà xây không đảm bảo chất lượng, lại nằm trên đỉnh đồi nên việc đi lại khó khăn, nước sinh hoạt không đủ. Điều này đã khiến nỗ lực tuyên truyền, vận động số hộ dân này nhận nhà để ổn định cuộc sống của chính quyền và các đoàn thể xã Đắc Nên đến nay vẫn chưa có kết quả.

Bà Bùi Thị Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Đắc Nên cho biết: “Qua kiểm tra thực tế các mái nhà khi có trời mưa thường có hiện tượng ngấm dột còn cánh cửa chất lượng gỗ không tốt mới qua sử dụng nhưng đã có hiện tượng mục, nát. Cái hiên nhà người ta làm không đảm bảo mưa hay tạt hầu như là thấm vào tường. Nước sinh hoạt vẫn còn thiếu bà con phải đi xách ở suối về sử dụng”

Chuyện ăn ở đã vậy, việc lao động sản xuất còn khó khăn hơn. Đến nay sau gần 1 năm chuyển tới nơi ở mới, các hộ vẫn chưa nhận được mét vuông đất nào để làm lúa nước. Trong khi đó, theo dự án đền bù các cấp có thẩm quyền phê duyệt, mỗi hộ được cấp 4 sào ruộng nước 2 vụ và 1 ha đất rẫy. Phương án huyện tổ chức khai hoang cấp cho dân 2 sào, nửa còn lại giao tiền cho dân tự làm đã được thông qua, song ruộng đến nay vẫn còn nằm trên bản thiết kế. Đất để trồng lúa đã vậy, với diện tích đất rẫy cũng hộ có hộ chưa. Như vậy, nguyên tắc trong việc di dân tái định cư là “nơi ở mới ít nhất phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” vẫn chưa được thực hiện.

Bà Đinh Thị Thân, làng Xô Luông nói: “Điều kiện mình ăn ở, sinh sống rất khó khăn. Đất vườn của mình trồng cái gì cũng không ra. Đất ruộng để mình làm ruộng, có ruộng để có cái gì ăn hàng ngày mình chờ đợi tới bữa nay cũng không thấy tin tức. Bữa giờ mình đâu biết đi làm gì, mình chỉ biết đi chặt củi rồi ở nhà rồi giặt đồ chăm sóc con thôi”.

Nguyên nhân khiến người dân vùng ngập lòng hồ thủy điện Đắc Đrinh ở xã Đắc Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đang phải đối diện với nhiều khó khăn, sau gần 1 năm chuyển tới nơi tái định cư bắt nguồn từ cuộc di dân không đáng có thời điểm tháng 7/2013. Đặt người dân vào tình huống “ Dù nhà máy không tích nước người dân vẫn bị nhấn chìm khi lũ về”, việc di dân khi đó được chính quyền địa phương thực hiện khẩn cấp trong khi cơ sở hạ tầng thiết yếu nơi đón dân chưa chuẩn bị xong. Thậm chí tại thời điểm di dân, huyện Kon Plông mới triển khai công tác quy hoạch xây dựng đồng ruộng.

Ông Trương Văn Minh, Phó Ban quản lý di dân tái định canh, định cư huyện Kon Plông thừa nhận: “Tháng 7/2013 tiến hành di dân khẩn cấp do đó công tác chuẩn bị xây dựng các đồng ruộng cũng như thủy lợi thì bắt đầu mới triển khai. Việc này không phải lỗi do dân. Do quá trình di dân khẩn cấp sự phối hợp giữa công ty và với chính quyền địa phương cũng chưa được đồng bộ dẫn đến sự chậm trễ”.

Khắc phục những thiếu sót trong việc di dân tái định cư vùng ngập lòng hồ thủy điện Đắc Đrinh, hiện tại chính quyền huyện Kon Plông đang tích cực giải quyết những nội dung mà người dân còn thắc mắc; tuyên truyền những vấn đề dân chưa hiểu, vận động người dân nhận nhà để ổn định cuộc sống, đồng thời đẩy nhanh tiến độ khảo sát thiết kế khai hoang đồng ruộng giải quyết nhu cầu đất sản xuất cho dân. Tuy nhiên, theo Ban quản lý di dân tái định canh, định cư của huyện Kon Plông cũng phải đến cuối tháng 9 năm nay, người dân ở các làng: Vương, Xô Luông, Đắc Glei, Đắc Lúp mới được cấp đất trồng lúa nước 2 vụ./.