Cuộc sống, sinh hoạt của hơn 100 hộ dân ở 7 xã tại thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đang bị đảo lộn vì sự xuất hiện của một loại côn trùng cánh cứng có tên khoa học Mesomorphus Villiger, mà người dân địa phương thường gọi là bọ đậu đen.

Đến hôm nay (25/6), bọ đậu đen đã xuất hiện tại 110 hộ dân, ở 7 xã của thành phố Kon Tum, gồm: Hòa Bình, Đắc Blà, Ya Chim, Chư H’reng, Ngọc Bay, Đắc Cấm và xã Đắc Năng. Có hình dạng giống như hạt đậu đen, di chuyển theo bầy đàn, loài côn trùng này có tính hướng sáng, hoạt động mạnh vào ban đêm, nhất là từ 19 đến 20 giờ và thích trú đậu ở những giá thể bằng gỗ, cách mặt đất từ 2,5m đến 5m.

704663_hjxg.jpg 

Bọ đậu đen xuất hiện khắp ngõ ngách (Ảnh: Tuổi Trẻ)

Tuy không cắn đốt gây bệnh cho người, song chúng có mùi hôi khó chịu và sự xuất hiện với số lượng lớn khiến sinh hoạt hàng ngày của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước tình hình này, ngành y tế địa phương đã khuyến cáo người dân sử dụng biện pháp thủ công để xử lý bọ đậu đen.

Bác sĩ Lê Văn Vân, Đội trưởng Đội y tế dự phòng, Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum cho biết: “Ngành y tế thành phố Kon Tum khuyến cáo người dân tổng dọn vệ sinh xung quanh nhà ở, vệ sinh môi trường sạch sẽ. Khi đã xuất hiện những con bọ đen này thì biện pháp là hốt, đốt và chôn để giảm số lượng bọ đen vào nhà; dùng lưới để che chắn cửa sổ và những khe cửa nhà sàn. Người dân không nên dùng hóa chất có nồng độ cao phun bọ đen, ảnh hưởng đến sức khỏe của chính mình”.

Về lâu dài, Sở Y tế tỉnh Kon Tum vừa có đề nghị ngành Nông nghiệp địa phương, Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn nghiên cứu đặc điểm sinh lý, sinh thái và thử nghiệm các biện pháp diệt trừ hiệu quả, tận gốc bọ đậu đen giúp nhân dân ổn định cuộc sống.

Được biết, mặc dù liên tục xuất hiện trên địa bàn thành phố Kon Tum vào mỗi đầu mùa mưa từ năm 2008, song đến nay ngành chức năng địa phương vẫn chưa tìm ra loại thuốc đặc trị đối với loại bọ này./.